Loài rùa khổng lồ ở đảo Galapagos tưởng chừng đã bị tuyệt chủng với cái chết của đại diện cuối cùng là George, nhưng các nghiên cứu DNA gần đây đã mở ra tia hy vọng mới về loài này.
Sau cái chết của rùa George trên quần đảo Galapagos thuộc Thái Bình Dương hồi hè năm nay, giới khoa học đã buồn bã loan tin về sự chấm dứt của một chi rùa đặc biệt.
Rùa George đã qua đời khi thọ hơn 100 tuổi – (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây cho thấy “kẻ cô độc”, biệt danh của rùa George, có thể không phải là thành viên cuối cùng của loài rùa khổng lồ Galapagos.
Các chuyên gia của Đại học Yale (Mỹ) đã bỏ công đến mũi nam của đảo Isabella, đảo lớn nhất của Galapagos, và thu thập DNA của hơn 1.600 cá thể rùa khổng lồ.
Kết quả phân tích cho thấy 17 trong số đó là rùa lai, có cha hay mẹ là rùa giống George, tức thuộc chi phụ Chelonoidis abingdoni.
Chưa hết, năm trong số rùa lai đang ở độ tuổi vị thành niên, có nghĩa là rùa thuần chủng C.abingdoni vẫn có mặt đâu đó trên đảo này.
Phát hiện mới cũng khiến giới chuyên gia ngạc nhiên vì rùa C.abingdoni như George là loài động vật địa phương ở đảo Pinta, cách đảo Isabella đến 60km.
Chúng là các sinh vật khổng lồ, đạt đến trọng lượng hơn 400kg và dài đến 1,8m, do vậy các nhà khoa học bỏ qua trường hợp chúng bị sóng biển đánh dạt đến đảo Isabella, theo báo cáo trên chuyên san Biological Conservation.
Theo Thanh Niên