Rùa nổi trùng sự kiện lịch sử chỉ là ngẫu nhiên

Các nhà khoa học đầu ngành về nghiêu cứu sinh vật đều có chung quan điểm “Cụ” rùa hồ Gươm nổi trong những sự kiện trọng đại chỉ là ngẫu nhiên chứ không phải do tác động của con người.

Trong những năm gần đây, việc rùa hồ Gươm nổi được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, thu hút sự quan tâm của người dân Hà Nội. Trong số hàng trăm lần rùa nổi lên, có khá nhiều lần trùng với các sự kiện lớn của dân tộc như họp Quốc hội, Việt Nam gia nhập WTO, Hội nghị APEC, một số nguyên thủ các nước đến thăm Việt Nam, các cuộc họp liên quan đến Hồ Gươm hoặc rùa hồ Gươm… Gần đây nhất là sự kiện Hà Nội mở rộng. Có ý kiến cho rằng, vào những ngày diễn ra sự kiện trọng đại, “cụ Rùa” đã bị ép nổi lên mặt nước. Thực tế có phải vậy? 

Rùa hồ Gươm không ít lần nổi lên đúng dịp xảy ra các sự kiện lớn của đất nước. Ảnh: Trung Kiên.

Theo giáo sư Hà Đình Đức, nhà sinh vật học có 18 năm nghiên cứu về rùa Hồ Gươm, rùa nổi là một hiện tượng rất tự nhiên. Giáo sư, tiến sĩ khoa học Mai Đình Yên, nguyên Chủ nhiệm bộ môn động vật có xương sống, Khoa sinh, ĐH Quốc gia Hà Nội có ý kiến tương tự. Giáo sư Yên phân tích: Xét về cơ chế phản xạ học, đối với một số loài sinh vật người ta có thể huấn luyện để các con vật có những động tác theo ý muốn của con người. Tuy nhiên, “đối với rùa ở hồ Gươm, với tư cách là một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về động vật học, tôi khẳng định chưa có ai thực hiện việc huấn luyện cho rùa. Hiện tượng rùa nổi ở hồ Gươm đến thời điểm này vẫn khẳng định là một sự ngẫu nhiên trùng với các sự kiện lịch sử, ngoài ra rùa không có ý thức chính trị giống như một số người đã nói”, ông Yên nói.

Giáo sư, tiễn sĩ Phạm Bình Quyền, Trung tâm tài nguyên môi trường ĐH Quốc gia Hà Nội, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam khẳng định, về nguyên tắc, động vật đều có thể luyện tập để có những phản xạ nhất định, huấn luyện thành quen. Tuy nhiên, với rùa, nếu nói có thể nổi lên theo ý muốn chủ quan của con người là cách nói suy diễn và thiếu căn cứ. Đến thời điểm này tại Việt Nam chưa có cứ liệu nào khẳng định có sự “tập huấn” để rùa nổi. Từng có ý kiến đề xuất dùng thức ăn nhử “Cụ” nổi lên nhưng chưa được tiến hành. Đến nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào cho thấy giới tính, trọng lượng của “Cụ”. Do khó tiếp cận và lo ngại “chuyện gì xảy ra làm tổn hại đến “Cụ” thì có tội với lịch sử” nên hiện chưa ai dám bắt “Cụ” lên để nghiên cứu. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc “cụ Rùa” nổi khá thường xuyên trong một hai năm trở lại đây là do ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu, đo đạc chất lượng nước Hồ Gươm đã phủ nhận quan điểm trên.

Theo giáo sư Hà Đình Đức, các loài động vật, kể cả con người, đề có giác quan thứ 6, một giác quan có chức năng giao tiếp với môi trường hoặc các cá thể cùng loài. Rùa Hồ Gươm về mặt sinh học cũng là một loài vật, việc giao tiếp và thu nhận thông tin về các sự kiện đặc biệt cũng có thể được đem lại từ giác quan thứ 6. Tuy nhiên, Giáo sư Đức nghiêng về nhận định rằng, hiện tượng này cũng có thể là do linh ứng hoặc là một hiện tượng ngoài giác quan thứ sáu mà khoa học không thể giải thích được.

 

Theo Báo Đất Việt