Một nghiên cứu tại Anh cho thấy các cánh rừng nhiệt đới đang hấp thụ 20% khí thải CO2 từ khí quyển, giúp con người tiết kiệm khoảng 13 tỷ USD mỗi năm.
Rừng nhiệt đới chỉ chiếm 7-10% diện tích đất liền, nhưng góp phần làm giảm 1/5 lượng khí thải CO2 trong khí quyển. Ảnh: globalcarbonproject.org. |
Simon Lewis, nhà sinh thái học của Đại học Leeds (Anh) cùng nhiều nhà khoa học thu thập dữ liệu về 250.000 cây trong các khu rừng nhiệt đới trên khắp hành tinh trong 40 năm qua. Họ nhận thấy tổng khối lượng của cây tăng lên rõ rệt. “Điều đó có nghĩa là rừng nhiệt đới hấp thụ nhiều khí thải carbon hơn. Các đại dương chiếm tới 3/4 diện tích bề mặt trái đất và hấp thụ khoảng 8 tỷ tấn CO2 mỗi năm. Trong khi toàn bộ rừng nhiệt đới chỉ chiếm khoảng 7-10% diện tích đất liền nhưng giúp chúng ta loại bỏ tới 4,8 tỷ tấn CO2 mỗi năm”, Simon nhận xét.
Các nhà khoa học suy đoán rằng lượng CO2 dồi dào trong khí quyển có thể đóng vai trò như phân bón tự nhiên, giúp cây cối trong các khu rừng nhiệt đới tăng chiều cao và chiều rộng trong 40 năm qua. “Căn cứ vào chi phí trung bình mà con người phải bỏ ra để mua một tấn carbon, tôi có thể nói rằng rừng đã giúp con người tiết kiệm khoảng 13 tỷ USD mỗi năm”, Lee White, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, kết luận.
Theo ước tính của Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu, hoạt động của con người tạo ra 32 tỷ tấn CO2 mỗi năm, nhưng chỉ có 15 tỷ tấn tồn tại trong bầu khí quyển và tác động tới khí hậu. Các khí thải carbon khiến nhiệt độ trên bề mặt trái đất tăng lên, làm tăng số lượng các đợt hạn hán, nắng nóng và bão. Nhiệt độ tăng cũng là nguyên nhân đẩy nhiều loài sinh vật đến tình trạng tuyệt chủng và làm tăng mực nước biển.
Vì thế, việc nắm bắt những thay đổi của lượng CO2 trong khí quyển sẽ giúp giới khoa học dự đoán chính xác hơn diễn biến của thay đổi khí hậu.
Theo VnExpress (Reuters)