Các nhà vận động bảo vệ môi trường nói quyết định của thủ hiến bang Para Simao Jatene là một trong các sáng kiến về môi trường quan trọng nhất trong những năm gần đây.
Nó sẽ giúp chống lại nạn đốn gỗ trộm cũng như khai thác đất một cách bừa bãi, vốn đã tàn phá nhiều khu vực châu thổ sông Amazon.
Diện tích rừng được bảo vệ là vào khoảng trên 16 triệu hectar (Ảnh: Flickr) |
Ông Russell Mittermeier, Chủ tịch tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế Conservation International nói nếu có rừng nhiệt đới nào sống sót thì đó chính là khu vực phía Bắc Amazonia, nhờ sáng kiến của ông thủ hiến.
Hàng lang bảo vệ
Chín khu vực mới sẽ nằm trong diện bảo tồn, và chúng sẽ nối kết các khu có sẵn tạo thành một hành lang rộng lớn ở miền Bắc châu thổ Amazon. Hành lang này, được biết dưới cái tên Vùng lá chắn Guyana, kéo dài từ các nước Guyana, Surinam và Guyane thuộc Pháp tới Brazil.
Khu này được coi là có tầm quan trọng hàng đầu về bảo tồn vì chiếm hơn 25% diện tích rừng nhiệt đới toàn cầu. Gần 90% Vùng lá chắn Guyana chưa bị động đến và cũng tại đây có trữ lượng nước ngọt lớn nhất toàn châu Mỹ: 20% lượng nước ngọt toàn châu lục là chạy qua đây.
Kể từ 1970, hơn 600.000 cây số vuông rừng rậm Amazon, một diện tích lớn hơn cả nước Pháp, đã bị tàn phá.
Conservation International nói với tốc độ phá rừng như hiện nay thì cả khu vực Amazon sẽ bị đe dọa bị tàn phá hết vào năm 2050, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khí hậu toàn địa cầu vì đây được coi là lá phổi của thế giới.
Theo BBC