Rút ngắn thời gian chạy tàu nhờ… polyme

Rút ngắn thời gian chạy tàu nhờ... polyme

Rút ngắn thời gian chạy tàu nhờ... polymeHành trình chạy tàu hỏa từ Hà Nội vào TP.HCM trước đây mất 34 giờ, nhưng hiện nay được rút ngắn lại còn 29 giờ mà vẫn bảo đảm độ an toàn cao, mỗi năm tiết kiệm cho Nhà nước nhiều tỷ đồng. Để có được bước chuyển biến thần kỳ này, ngành đường sắt đã ứng dụng sản phẩm từ polyme để sản xuất căn nhựa, cóc ray do Viện Kỹ thuật Nhiệt đới (thuộc Viện KH-CN Việt Nam) sáng tạo.

Mấy năm trước, việc sản xuất căn nhựa, cóc ray – một loại phụ kiện trong kết cấu đường ray xe lửa có tác dụng giảm độ ồn, rút ngắn thời gian chạy tàu dường như là điều không tưởng đối với các nhà sản xuất trong nước. Nhưng mới đây, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới đã thực hiện thành công Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước về “Hoàn thiện công nghệ chế tạo polyme blen (polyamit/polypropylen) để sản xuất căn nhựa, cóc ray phục vụ ngành đường sắt” và thu được kết quả ngoài sự mong đợi.

Bắt tay vào thực hiện, các nhà khoa học đã gặp không ít khó khăn vì độ rủi ro cao trong quá trình thực hiện, bên cạnh đó giá nguyên liệu sản xuất căn nhựa, cóc ray ngày càng tăng cao, thời gian thực hiện dự án gấp rút…

Không chịu khuất phục trước những vật cản ấy, trên cơ sở công nghệ chế tạo các chất tương hợp, công nghệ chế tạo các vật liệu polyme blen và dây chuyền sản xuất đồng bộ tự trang bị, từ năm 2003 đến năm 2004, tập thể các nhà khoa học tại Viện Kỹ thuật Nhiệt đới đã nghiên cứu thành công và đi vào sản xuất, cung cấp 1.138.790 căn nhựa, 3.000 cóc ray và 7.000 kg polyme blen, tiết kiệm cho Nhà nước nhiều ngoại tệ.

Sản xuất thành công, trong quá trình thử nghiệm và ứng dụng cũng đã chứng tỏ polyme blen có tính chất cơ học và chịu khí hậu nhiệt đới tốt. Khác với sản phẩm nhập ngoại, các nhà khoa học khẳng định cóc ray có thể sử dụng trên 5 năm mà không cần bảo dưỡng, thay mới. Sản phẩm này đã giúp giảm độ ồn khi tàu lăn bánh, đồng thời rút ngắn thời gian chạy tàu mà vẫn đảm bảo tính an toàn cao.

Nói về hiệu quả kinh tế – xã hội, chủ nhiệm dự án – TS Đào Thế Minh – cho biết, hiện nay Việt Nam đã chủ động đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thường xuyên về sản phẩm căn nhựa của các công ty và xí nghiệp thuộc ngành đường sắt, góp phần tạo công ăn việc làm, chủ động sản xuất cho các cơ sở trong nước, giảm giá thành sản phẩm. Sản phẩm căn nhựa cũng đáp ứng các nhu cầu đột xuất, khẩn cấp để khắc phục nhanh hậu quả các đoạn đường bị hỏng. Trên cơ sở đó – ngành đường sắt đã cho phép ứng dụng polyme blen và ứng dụng thử sản phẩm lõi nhựa vossloh của tà vẹt bê-tông dự ứng lực.

TS Đào Thế Minh cho biết thêm: Đến nay, mặc dù đã tự cung ứng sản phẩm cóc ray cho các đơn vị trong nước, nhưng “tham vọng” của tập thể các nhà khoa học Viện Kỹ thuật Nhiệt đới không chỉ ở phạm vi “ao làng” mà phải tìm cách vươn ra biển lớn. Để làm được điều này cần phải có chiến dịch quảng bá, tiếp thị sản phẩm, đồng thời các ban ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ để tìm được tiếng nói chung cho “đứa con quốc nội” ra phục vụ ngành đường sắt thế giới. 

 

Theo Khoa học và phát triển, Tuổi Trẻ Online