Rút ngắn thời gian làm sạch đất nhờ cây sinh học

Chính phủ Belarus đang tiến hành kế hoạch thử nghiệm trồng cây nhiên liệu sinh học nhằm làm sạch nhanh hơn những vùng đất nhiễm phóng xạ sau thảm họa Chernobyl năm 1986. 

Trồng cây nhiên liệu sinh học giúp cải tạo đất nhiễm xạ.

Theo tạp chí New Science, sử dụng cây nhiên liệu để hút các chất phóng xạ như strontium và caesium giúp rút ngắn thời gian làm sạch đất từ hàng trăm năm xuống còn 20 – 40 năm và có thể cải tạo đất phù hợp với trồng cây lương thực cho con người như lúa mì.

Tuy nhiên, lãnh đạo cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Didier Louvat cho rằng, nước này hiện chưa có đủ công nghệ loại bỏ chất phóng xạ trong quá trình sản xuất nhiên liệu sinh học. Greenfield dự kiến xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đầu tiên tại Mozyr vào năm 2011 với công suất ban đầu khoảng 700 triệu lít nhiên liệu sinh học mỗi năm.

Belarus là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất sau thảm họa Chernobyl với diện tích khoảng 40.000 km2 hệ thực vật và đất đai nhiễm phóng xạ nặng như strontium-90, caesium-137, plutonium và americium. Hiện còn khoảng 8 triệu người dân Belarus sinh sống ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi chất phóng xạ và chính phủ Belarus coi việc làm sạch đất đai là ưu tiên hàng đầu.

 

Theo Báo Đất Việt (New Science)