Trung tuần tháng 2.2006, Tạp chí Science đã công bố kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) về tuổi của sa mạc Sahara. Nhóm nghiên cứu do GS Michel Brunet (Trường Đại học Poitier) phụ trách, cộng tác với Trường Đại học N’Djaména và Trung tâm Tài trợ nghiên cứu quốc gia N’Djaména. Đoàn nghiên cứu tập hợp 60 nhà khoa học của 10 quốc gia, đã phát hiện và phân tích sự kiến tạo các đụn hoá thạch ở Tchad (một quốc gia nằm ở Trung Phi, ven sa mạc Sahara). Những nghiên cứu cho thấy sự cần thiết phải kiểm tra lại việc đánh giá tuổi của sa mạc Sahara: Sa mạc nóng bỏng và rộng lớn nhất hành tinh này không phải ở tuổi 86.000 năm như người ta vẫn nghĩ mà ít nhất là 7 triệu năm!
Các đụn cát ở Tchad ven sa mạc Sahara (Ảnh: explorator)
Theo các kết quả nghiên cứu, cách đây vài nghìn năm, tại vị trí của sa mạc Sahara ngày nay bao trùm một khí hậu ẩm ướt, có nhiều sông, hồ lớn, trong đó, hồ Méga-Tchad nổi tiếng đã có từ ngày ấy (Méga-Tchad là hồ cổ lớn nhất ở Sahara, có diện tích 350.000 km2, bằng diện tích của biển Caspienne hay diện tích của nước Đức). Như vậy, sa mạc Sahara không phải là sa mạc “trẻ”. Trước đây, theo những tài liệu phân tích và những ghi nhận có được thì tuổi của sa mạc Sahara già nhất cũng chỉ đến 86.000 năm. Một số mẫu vật tìm được trong các mũi khoan trên thềm lục địa châu Phi đã gợi ra những dấu hiệu cho thấy sự tồn tại ở vùng này những thời kỳ hoang mạc trước đó lâu hơn nữa nhưng đã không có một nghiên cứu nào về Sahara được tiến hành để kiểm tra lại điều này.
Nước cộng hoà Tchad, đặc biệt là sa mạc Djourab nằm ở lưu vực hồ Méga-Tchad đã trở thành một địa điểm trọng yếu để nghiên cứu nguồn gốc và quá trình tiến triển của người vượn cổ. Chính ở đây, từ năm 1994, GS Michel Brunet cùng nhóm nghiên cứu của mình đã liên tiếp phát hiện được các di tích của người vượn cổ. Đầu tiên là người vượn Australopithecus bahrelghazali được mô tả ở miền Tây của thung lũng Rift và tiếp theo là Sahelanthropus tchadensis – người vượn cổ nhất được biết đến cho tới ngày nay.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu sự xuất hiện của người vượn cổ thông qua môi trường sống của họ thời bấy giờ – môi trường sống cổ xưa. Đó là các nghiên cứu cổ sinh học thông qua việc nghiên cứu các trầm tích, hệ thực vật, cảnh quan đồng nội của người vượn cổ trong Sahara. Các nghiên cứu được thực hiện theo nguyên lý của “thuyết hiện đại”: Từ những hệ thống trầm tích hiện nay, các nhà khoa học thiết lập nên các tiêu chuẩn nhận dạng đối với mỗi môi sinh để từ đó đánh giá được mức độ “cổ” của chúng. Mỗi môi trường có những dấu hiệu địa sinh học riêng của chúng, hay nói cách khác, nó có những đặc trưng trầm tích riêng. Những đặc trưng này được xác định bằng phương pháp nghiên cứu thạch học trầm tích, cấu trúc trầm tích, hình học của cặn lắng và cổ sinh học.
Những đụn cát ngày nay (Ảnh: cnrs) |
Đối với nghiên cứu trầm tích, tất cả những yếu tố đặc trưng của một hoang mạc được thể hiện qua các đặc điểm như: Cát trắng, sạch, ít chất kết dính, không có sự sống, có những hạt thạch anh tròn và nhẵn, cặn trầm tích chếch xiên, có đường lượn sóng do gió tạo nên ở dưới chân đụn… Các nhà nghiên cứu đã phát hiện được sự kiến tạo của những đụn hoá thạch trong vùng Toros Ménalla, trung tâm của sa mạc Djourab. Đây là bằng chứng quan trọng cho phép khẳng định có tồn tại hoang mạc từ thời kỳ Thượng Mioxel, cách đây 7 triệu năm. Trước đó, ở đây có một thời kỳ khí hậu ven sa mạc, đặc trưng bởi phong cảnh cây cối xanh tươi và những hồ nước tràn trề nhưng có tuổi thọ ngắn ngủi.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận dạng được các đặc trưng ở mức độ khác nhau của cặn lắng trầm tích trong vùng Djourab để đi đến nhận xét rằng, Sahara đã trải qua những điều kiện cằn cỗi khắc nghiệt ít nhất trong 10 triệu năm trước đây. Kết quả nghiên cứu này được coi là cột mốc đầu tiên cho việc thiết lập lại câu chuyện lịch sử khí hậu địa sinh học của sa mạc Sahara cổ xưa mà trong suốt thời kỳ dài chưa được đánh giá đúng.
Theo CNRS, Tạp chí họat động khoa học