Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ở đảo Huyền Trân (quần đảo Trường Sa) đã có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.
Hồi 01 giờ (ngày 12/12), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,8 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, cách đảo Huyền Trân (quần đảo Trường Sa) khoảng 130km về phía Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 01 giờ ngày 13/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,1 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Sóc Trăng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Hướng đi của áp thấp nhiệt đới.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm trên biển (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): từ vĩ tuyến 7,5 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 13,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 106,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km.
Ở Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-200mm, có nơi cao hơn 200mm) và rải rác có dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy. Từ đêm nay (12/12), khu vực đất liền ven biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Sóc Trăng có gió giật mạnh cấp 6-7.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, từ sáng 14/12 ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Từ ngày 14-17/12, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có mưa vừa, mưa to (tổng lượng mưa trên 200mm), riêng Quảng Nam đến Phú Yên có mưa to đến rất to (300-400mm/đợt), trên các sông thuộc khu vực này có khả năng xuất hiện lũ kèm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.
Theo NCHMF