Theo đánh giá của các cơ quan bảo tồn về sinh vật biển, Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu nhiều loài san hô biển nhất thế giới, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, cho đến nay, hệ sinh thái này đang bị suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng.
>>> Gần 1/3 diện tích rạn san hô của Indonesia đã bị phá hủy
Số liệu thống kê cho thấy, nước ta chỉ còn 1% trong số 1.300km2 rạn san hô dọc bờ biển đang trong tình trạng rất tốt; 26% các rạn san hô trong điều kiện tốt; 41% các rạn san hô trung bình, còn lại 31% là các rạn san hô nghèo.
Ðiều đáng lo ngại, hiện có 96% các rạn san hô trên khắp vùng biển cả nước đang hứng chịu tác động tiêu cực từ các hoạt động khai thác của con người, trong đó gần 75% các rạn có mức độ rủi ro cao và rất cao bởi tình trạng khai thác thể hiện sự hủy diệt.
Đơn cử như ở Đà Nẵng, những năm gần đây, việc ngư dân sử dụng một số loại lưới tận diệt các loại thủy sinh vật tại vùng biển ven bờ và khu vực rạn san hô ở nam bán đảo Sơn Trà đã khiến san hô ở khu vực này bị “đe dọa” và mai một nghiêm trọng.
Điều đáng lo ngại là không chỉ ở Đà Nẵng, mà tại một số tỉnh-thành phố khác như Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, các đối tượng không chỉ khai thác trái phép san hô bằng phương tiện thô sơ, mà còn sử dụng các phương tiện cơ giới như: Máy đào, máy múc, xe ôtô để “tận diệt” san hô.
Trên phạm vi cả nước, mỗi năm nước ta cũng đang mất hơn 50 tấn san hô do việc khai thác hủy diệt và khai thác vì mục đích kinh doanh, chưa kể mất san hô đen ở các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Trị, Quảng Bình.
Qua thực trạng khai thác san hô như trên, các chuyên gia cũng cho rằng, với tốc độ san hô bị phá hủy như hiện nay, khoảng 20 năm nữa san hô có thể không còn trong vùng biển nước ta.
Chính về vậy, để bảo vệ các loài san hô biển, cũng như phát triển các nguồn lợi kinh tế do các rạn san hô mang lại, theo các chuyên gia bảo tồn sinh vật biển, Việt Nam cần ban hành Chiến lược quốc gia Quy hoạch, bảo vệ và phát triển tài nguyên san hô biển, cũng như xây dựng cơ chế, chính sách và cơ sở pháp lý để quản lý, bảo vệ san hô.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành và địa phương cần đưa ra các giải pháp tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa của rạn san hô đối với thềm lục địa và hệ sinh thái đồng thời kết hợp với các biện pháp kinh tế, thu hút người dân chuyển đổi ngành nghề và xã hội hóa công tác bảo vệ vùng triều ven biển.
Theo Vietnam+