San hô có khả năng chịu đựng độ acid cao

San hô có khả năng chịu đựng độ acid cao

Thuộc hệ sinh thái phức tạp và mỏng manh, loài san hộ bị đe dọa gấp đôi bởi hiện tượng khí hậu nóng dần: nước quá nóng làm chúng bị hóa trắng và nước có độ acid cao làm bộ xương của chúng bị tan rã.

Khí thải carbon dioxide càng tồn tại nhiều trong bầu khí quyển thì càng có mặt nhiều trong nước, khiến các đại dương có độ acid càng cao. Khi thử nghiệm khả năng chịu đựng độ acid trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu Israel đã chứng minh loài sinh vật này có sức dẻo dai, ít nhất trong một thời gian.

Hai nhà nghiên cứu Maoz Fine và Dan Tchernov thuộc Trường Đại học Bar-Ilan đã ngâm loài san hô cứng chuyên tạo hàng rào san hô trong một dung dịch nước có độ acid ngày càng cao đến độ pH chưa bao giờ đạt tới từ 20 triệu năm. Trong vòng 1 tháng, những san hô này đã mất đi lớp vỏ và trở thành thủy tức (polype).

Tuy nhiên, chúng đã sống sót và sinh sản khi bám vào đá. Thậm chí một số thủy tức đã tăng kích thước. Khi được ngâm trở vào một môi trường bình thường 12 tháng sau, loài san hô này đã tái tạo bộ xương bằng argonit, một dạng canxi carbonat.

San hô có khả năng chịu đựng độ acid cao

Thủy tức san hô bị mất đi lớp vỏ bọc khi bộ xương của chúng tan rã (Ảnh: news.mongabay.com)

Điều này có thể giải thích vì sao loài san hô đã sống còn vào những thời kỳ bất lợi cho sự hóa vôi trong lịch sử Trái Đất. Tuy nhiên, các kết quả này không khẳng định rằng loài sinh vật biển này sẽ sống sót trong những giai đoạn thay đổi khí hậu tương lai.

Nhiều thắc mắc vẫn chưa được giải đáp: tác động của nhiệt độ nước tăng cao kéo dài đối với san hô sẽ như thế nào? Loài thủy tức không vỏ bọc sẽ sống còn trong trạng thái tự nhiên trong bao lâu khi tiếp xúc với loài ăn mồi? Chưa kể đến nạn ô nhiễm và sự hủy diệt san hô do con người cũng đe dọa các dải san hô trên thế giới.

 

Theo Sciences & Avenir, Đài TH Tp. Hồ Chí Minh