Trong mấy năm gần đây, tình trạng san lấp vịnh Nha Trang diễn ra ở nhiều địa điểm, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường sinh thái biển.
Lấn chiếm chưa trả lại
Một góc vịnh Nha Trang tại đường vòng núi Chụt (Vĩnh Nguyên) đã bị san lấp để xây khu dân cư – Ảnh: Phan Sông Ngân |
Ở khu vực dự án Rusalka tại Bãi Tiên, thuộc phường Vĩnh Hòa, phía bắc vịnh Nha Trang, ngoài phần diện tích mặt biển và bãi biển đã được giao, “nhà đầu tư” còn tự ý lấn chiếm và san lấp thêm gần 23.000m2 mặt nước biển.
Tháng bảy năm ngoái, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu phải khôi phục hiện trạng ban đầu cho 14.652m2 biển đã bị lấp. Thế nhưng tới nay “lệnh” của tỉnh chưa được thực thi bởi ông “chủ dự án” Nguyễn Đức Chi đang ở trong trại giam.
Tại khu vực Đường Đệ gần đó, trên 30 ha mặt biển cũng đã bị một đối tác của Nguyễn Đức Chi (Rusalka) là Công ty Lâm Viên liên doanh cùng Công ty Công ích địa chính Khánh Hòa đóng cọc, san lấp để thực hiện dự án lập khu dân cư.
Vùng biển Sông Lô thuộc phía nam vịnh Nha Trang cũng bị lấn chiếm, san lấp. Tại đây, ngoài diện tích hơn 170 ha đã giao cho dự án khu du lịch và giải trí Sông Lô, tỉnh Khánh Hòa còn cho Công ty TNHH Hoàn Cầu thuê thêm hơn 148 ha mặt biển.
Và công ty này đã tự tiện đổ đất lấp biển với diện tích 30.000m2 và nạo vét bùn đắp bờ lấn biển thêm khoảng 20.000m2… Thế nhưng kể từ khi thanh tra Sở Tài nguyên – môi trường phát hiện xử phạt “hành vi vi phạm hành chính” đó (7-2004) cho tới nay vịnh Nha Trang vẫn hoàn toàn chưa được trả lại phần biển đã mất.
Mất quá nhiều!
Ông Lê Văn Kế, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nói : “Từ thời Pháp đến trước 1975, hầu hết đường phố của Nha Trang đều được các nhà qui hoạch cho xây dựng gần như vuông góc với bãi biển Nha Trang và đều chạy xiên xiên theo hướng đông nam từ biển trở vào dọc suốt cả thành phố… Chính nhờ qui hoạch, thiết kế như thế đã giúp gió biển, không khí trong lành của biển được đẩy vào chia đều cho nhiều khu vực dân cư ở cách xa biển và sâu trong thành phố. Trong qui hoạch và thực tế trước đây hoàn toàn không có công trình cao tầng nào được phép mọc lên dọc con đường ven biển, vốn là “mặt tiền” của cả thành phố Nha Trang...”.
Tại khu vực đường vòng núi Chụt, phía nam Cầu Đá, toàn bộ một vùng vịnh Nha Trang rộng hơn 56 ha nằm gần ngay cửa sông Tắc (Quán Trường) đang bị san lấp hoàn toàn để lập khu dân cư Phú Quý (gần 80ha) với dân số 12.000 người.
Việc san lấp đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều cư dân xung quanh vì tình trạng ô nhiễm. Đồng thời, theo cảng vụ Nha Trang, khu vực biển bị lấp sát mép dòng chảy và dòng thủy triều lên xuống; chỉ cách luồng tàu vừa được nạo vét và cầu tàu 20.000 tấn đang xây dựng của cảng Nha Trang 300-1.000m nên có nguy cơ làm bồi lấp luồng dẫn tàu và bến của cảng Nha Trang.
Còn theo lãnh đạo Ban quản lý vịnh Nha Trang, tình trạng san lấp biển như trên đã tạo ra một số đe dọa cho các hệ sinh thái của vịnh. Lắng đọng trầm tích tăng lên sẽ làm chết toàn bộ san hô trong vịnh và làm thay đổi dòng chảy trong khu bảo tồn biển… cùng tác hại cho cả cảnh quan, môi trường biển.
Tình trạng biển bị san lấp do việc xây dựng các dự án để kinh doanh du lịch không chỉ có tại ven bờ mà còn diễn ra khá qui mô ngay cả ngoài đảo, nằm trong khu bảo tồn vịnh Nha Trang.
Cả một vùng sinh thái biển rất lớn tại khu vực Đầm Già (thuộc Hòn Tre) hiện đã bị hủy hoại do chủ dự án trên đảo cho đổ thẳng đất đá xuống biển, chôn vùi toàn bộ cỏ biển, san hô và các giá trị sinh thái biển khác ở khu vực tại chỗ, gây ảnh hưởng đến cả một vùng rộng lớn xung quanh…
Một nhà khoa học cho biết: “Có lẽ chưa bao giờ vịnh Nha Trang bị san lấp mất quá nhiều diện tích và bị xâm hại đến mức khủng khiếp như hiện nay”.
PHAN SÔNG NGÂN
Theo Tuổi Trẻ Online