Nhiều tập đoàn và công ty tư vấn dầu mỏ từng dự đoán sản lượng dầu thế giới sẽ đạt đến mức đỉnh điểm sau năm 2020. Tuy nhiên, một số nhà địa chất và vật lý chứng minh viễn cảnh đó sẽ diễn ra sớm hơn, có thể bắt đầu vào năm tới. Trong đó có nhà vật lý kiêm kỹ sư dầu mỏ Fredrik Robelius ở Đại học Uppsala của Thụy Điển.
Mô hình dự báo sản lượng dầu của nhà khoa học này dựa trên dữ liệu của 333 mỏ dầu khổng lồ đang được khai thác, với sản lượng ít nhất 500 triệu thùng – chiếm hơn 60% sản lượng của thế giới hiện nay, đồng thời gộp tất cả mỏ dầu nhỏ còn lại thành một giếng dầu lớn chung của thế giới. Phân tích của Fredrik chú trọng sản lượng khai thác trong quá khứ của các mỏ dầu và trữ lượng được phát hiện gần đây nhất, sau đó so sánh tỷ lệ tăng hay giảm sản lượng dầu trong tương lai.
Giàn khoan dầu ngoài khơi của Trung Quốc. |
Từ kết quả này, ông xem xét khả năng phát hiện các mỏ dầu mới ở những nơi xa xôi như dưới lòng đại dương sâu thẳm hay dưới sa mạc cát ở Canada. Và Fredrik nhận thấy các giếng dầu trên thế giới sẽ đạt mức khai thác cao nhất trong khoảng từ năm 2008 đến 2018, sau đó giảm dần trong khi khả năng phát hiện các mỏ dầu mới trong tương lai lại ít hơn.
Thậm chí, theo chuyên gia Fredrik, cho dù thế giới có phát hiện thêm những giếng dầu tiềm ẩn khác nhưng cũng sẽ toàn là qui mô nhỏ với sản lượng thấp do địa hình phức tạp và chi phí khai thác tốn kém. Đồng tình với nhận xét trên, nhà vật lý David Goodstein thuộc Viện Công nghệ California (Caltech) cho rằng, nhân loại đã đi tới tận cùng của Trái đất để tìm kiếm các mỏ dầu lớn và dường như sẽ không có một giếng dầu khổng lồ nào nữa được phát hiện. Ngay cả khi có tìm thấy thêm mỏ dầu lớn thì khả năng sản lượng dầu thế giới cũng sẽ lên đến mức tối đa vào năm tới hoặc các năm tiếp theo trước khi sụt giảm, ông Goodstein quả quyết.
Tuy nhiên, những người không tán đồng như Michael Lynch, chủ tịch một công ty tư vấn năng lượng tại Massachusetts, cho rằng con người thật sự chưa bắt đầu đi tìm các nguồn dầu bổ sung, rằng sản lượng dầu thế giới chưa thể đến hồi khánh kiệt, một phần vì thế giới còn rất nhiều giếng dầu mỏ chưa được khám phá. Nhà nghiên cứu Sam Kazman thuộc một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu chính sách công ở Washington thì khẳng định công nghệ mới sẽ giúp con người giải quyết vấn đề kỹ thuật trong khai thác các giếng dầu khổng lồ những tưởng sắp rơi vào tình trạng cạn kiệt như hiện nay.
V.P (Theo LiveScience)
Tổ hợp Tình báo Năng lượng (EIG), chuyên xuất bản thư tin và báo cáo về ngành dầu khí toàn cầu, mới đây cho biết sản lượng dầu khai thác hàng năm của thế giới nhiều hơn trữ lượng dầu thay thế. Thống kê của EIG cho thấy trữ lượng dầu mỏ thế giới trong hai năm qua giảm 13 triệu thùng (0,9%) và chỉ còn 1.459 tỉ thùng vào cuối năm 2006. Trong khi đó, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới giai đoạn 2003-2030 sẽ tăng bình quân 1,4%/năm, tức sẽ tăng từ 80 triệu thùng/ngày năm 2003 lên 98 triệu thùng/ngày năm 2015 và đạt 118 triệu thùng/ngày vào năm 2030. Thậm chí, theo Bộ Năng lượng Mỹ, nhu cầu dầu của thế giới đến năm 2025 có thể sẽ lên đến 119 triệu thùng/ngày. (Nguồn: eia.doe.gov) |
Theo Báo Cần Thơ