Sản xuất chất kết dính từ… tro bay

Tro bay (fly-ash), một loại bụi từ than đốt của các ngành sản xuất năng lượng được sinh viên Đặng Văn Tuấn, Đại học Bách khoa TP HCM sử dụng để tạo chất kết dính mới thay thế xi măng trong xây dựng. Việc sản xuất được chất này giúp giá bê tông rẻ hơn và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, chỉ tính riêng Việt Nam, khối lượng tro bay được thải ra của ngành sản xuất năng lượng (điện, dầu…) khoảng 600.000 tấn một năm. Tro bay là loại bụi được thu tại bộ phận khí thải của ngành năng lượng và chưa tái sản xuất được, vì thế rất có hại cho môi trường.

Đặng Văn Tuấn cùng nhóm bạn ở ngành vật liệu và cấu kiện xây dựng, Khoa kỹ thuật xây dựng, Đại học Bách Khoa đã dùng tro bay phối trộn với một số phụ gia khác để cho ra loại chất kết dính như xi măng. Nhóm nghiên cứu đã thử ngâm chất kết dính này trong môi trường a xít HCl và H2SO4 với nồng độ 10% đậm đặc nhưng tốc độ ăn mòn ít hơn nhiều so với xi măng thông thường. Nếu sản xuất bê tông bằng chất kết dính này giá thành sẽ rẻ hơn so với bê tông từ xi măng.

Đặng Văn Tuấn và những miếng bê tông được kết dính từ tro bay.
(Ảnh: NLĐ)

 

Theo Người Lao Động, Vnexpress