Sản xuất được chất dẻo sinh học từ nguồn nguyên liệu tái tạo

Các nhà hóa học ở Đại học Bath (Anh) đã tổng hợp được loại chất dẻo sinh học bằng cách sử dụng một chất được tìm thấy trong nhựa cây lá kim.

Các nhà nghiên cứu hy vọng loại vật liệu có nguồn gốc hoàn toàn từ các nguồn tái tạo sẽ được sử dụng làm bao bì thực phẩm và sản xuất các miếng cấy ghép y tế. Các nhà nghiên cứu đã giới thiệu thành tựu của họ trên tạp chí Polymer Chemistry.


Công trình nghiên cứu của họ giúp sản xuất ra nhựa sinh học hoàn toàn từ các nguồn nguyên liệu tái tạo.

Nguyên liệu để sản xuất các loại vật liệu thân thiện với môi trường, chẳng hạn như polylactide (PLA), là các nguồn tài nguyên tái tạo như ngô và mía đường. Ngoài thế mạnh này, polylactic cũng có tính tương thích sinh học tốt, có thể được sử dụng như là miếng cấy ghép y tế. Tuy nhiên, một trong những nhược điểm đáng kể của polymer axit lactic là độ bền thấp và độ uốn dẻo kém. Để làm polylactic thêm tính đàn hồi, các nhà khoa học đã bổ sung caprolactone có nguồn gốc từ dầu mỏ. Nhưng sự bổ sung này làm cho nhựa sinh học không hoàn toàn tái tạo.

Giờ đây các nhà hóa học Anh thay caprolactone bằng pinen thu được từ nhựa của cây lá kim có vị thơm của tinh dầu thông. Theo các tác giả sáng chế, công trình nghiên cứu của họ giúp sản xuất ra nhựa sinh học hoàn toàn từ các nguồn nguyên liệu tái tạo. Cho đến nay, các nhà khoa học chỉ có trong tay một vài gram vật liệu thân thiện với môi trường, nhưng họ đang phát triển công nghệ cho phép chuyển việc tổng hợp chất dẻo sinh học từ phòng thí nghiệm sang quy mô sản xuất hàng loạt.

 

Theo Motthegioi