Một thành phố ở phía nam Trung Quốc đang tính tới khả năng dùng sữa bột nhiễm độc làm nguyên liệu sản xuất gạch, nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm đất và nguồn nước.
Các nhân viên thanh tra y tế của tỉnh Quảng Châu tiêu hủy sữa nhiễm độc. Ảnh: Reuters. |
Giới chức thành phố Quảng Châu đề ra kế hoạch này sau khi nhiều trung tâm xử lý rác đổ sữa nhiễm melamine ra các dòng sông vào đầu tháng 11, khiến nhiều người lo ngại nguồn nước của thành phố sẽ bị ô nhiễm. Theo ông Wang Fan, giám đốc cơ quan giám sát an toàn thực phẩm Quảng Đông, sữa độc sẽ được đưa vào lò nung để tạo thành gạch và xi măng.
Chi phí cho việc xử lý một tấn sữa bột bằng cách sản xuất gạch vào khoảng 700 nhân dân tệ (105 USD), rẻ hơn 70% so với biện pháp đốt sữa trong lò ở các trung tâm xử lý rác.
Ngoài sử dụng sữa bột làm nguyên liệu sản xuất gạch, chính phủ Trung Quốc còn cho phép chôn sữa nhiễm độc xuống đất (với chi phí 200 nhân dân tệ/tấn), nhưng khống chế số lượng để ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm đất.
Tổng cộng có 4 trẻ em tử vong và hơn 53.000 trẻ khác tại Trung Quốc mắc bệnh do uống sữa và nhiều sản phẩm từ sữa bị nhiễm melamine. Cuộc khủng hoảng sữa độc đã đẩy ngành công nghiệp sữa của quốc gia đông dân nhất thế giới này vào cảnh khốn đốn.
Theo VnExpress (Xinhua)