Chi cục Thuỷ sản Tuyên Quang cho biết đang thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá Lăng chấm bằng phương pháp sinh sản nhân tạo”.
>>>Sản xuất, nuôi thành công cá ngựa vằn thương phẩm
Dự án nhằm mục đích đa dạng nguồn cá giống, nhất là những loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc sống cạnh các lưu vực sông hồ.
Ông Đặng Xuân Cảnh, Cán bộ Phòng Kỹ thuật Chi cục Thủy sản Tuyên Quang và cũng là Chủ nhiệm dự án cho biết, công nghệ sinh sản nhân tạo giống cá Lăng chấm là công nghệ mới, phức tạp hơn so với các công nghệ sản xuất cá giống trước đây.
Cá Lăng chấm là loài cá có giá trị kinh tế cao.
Công nghệ được áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật mới trong sinh sản nhân tạo như: tạo dòng chảy, phun mưa nhân tạo kết hợp chế độ quản lý chăm sóc phù hợp để nâng cao tỷ lệ thành thục của cá bố mẹ so với tự nhiên.
Bằng phương pháp mổ cá đực lấy tuyến sẹ nghiền nhỏ để thụ tinh nhân tạo, công nghệ này đã khắc phục được tình trạng khó vuốt tinh khi thụ tinh nhân tạo ở các loài cá da trơn do buồng sẹ có nhiều nốt thắt.
Thời gian thực hiện dự án đến cuối năm 2012 trên diện tích 3.000m2, với tổng số vốn gần 570 triệu đồng. Trong đó, trên 430 triệu đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học, trên 130 triệu đồng từ nguồn vốn khác.
Dự án thực hiện thành công sẽ làm đa dạng chủng loại cá giống, cung cấp khoảng 10.000 con Lăng chấm cá bột và 15.000 con cá giống kích cỡ 6-8cm cho thị trường.
Cá Lăng chấm là loài cá da trơn có giá trị thương phẩm cao, đang có nguy cơ tuyệt chủng. Trên thị trường nhu cầu tiêu dùng rất cao nhưng nguồn cá tự nhiên đang ngày khan hiếm. Tỉnh Tuyên Quang có gần 12.000ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có 8.600ha hồ thuỷ điện và thuỷ lợi, 2.000ha ao hồ, đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển những loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Theo Vietnam+