Sản xuất thành công thuốc diệt ốc bươu vàng bằng thảo mộc

Các nhà khoa học Việt Nam vừa nghiên cứu và sản xuất thành công loại thuốc diệt ốc bươu vàng từ thực vật không gây hại môi trường và các loài thủy sinh có ích.

Sản phẩm này đã áp dụng tại nhiều địa phương trong cả nước và thu được kết quả khả quan.

Xuất xứ từ Nam Mỹ, du nhập vào Việt Nam từ 15 năm trước, đến nay, ốc bươu vàng đã trở thành dịch hại lúa và khó phòng trừ nhất ở nước ta. Trung bình mỗi năm, ốc bươu vàng “ăn” hết hơn 200.000ha lúa.

Ngoài lúa, ốc bươu vàng còn hại tảo, rau muống, khoai sọ, trứng và được ví như máy nghiền vì có thể ăn liên tục trong vòng 24 giờ. Đặc biệt, gần đây chúng còn gặm vỏ cây tràm mới trồng gây chết cây ở vùng Đồng Tháp Mười.

Nhiều biện pháp phòng trừ ốc bươu vàng được ứng dụng nhưng các biện pháp thủ công thì hiệu quả chưa cao, dùng hóa chất ồ ạt thì dẫn đến suy giảm các loài thủy sinh có ích…

Diệt ốc bươu vàng bằng thảo mộc

Nhóm nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật tìm hiểu 28 loại cây có độc tính và lựa chọn 3 ba loài cây sẵn có ở Việt Nam là cây sở, cây chấu và cây thàn mát làm nguyên liệu chính để sản xuất thuốc diệt ốc bươu vàng. Đó là ba sản phẩm BOURBO 8.3 BR và TICTACK 13.2 BR dạng bột khô và CH-01 dạng nước chiết

Điều quan trọng lúc này không phải và không thể loại bỏ ốc bươu vàng ra khỏi hệ sinh thái mà làm thế nào để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng có hại của chúng và sử dụng chúng vì lợi ích con người” – Tiến sĩ Nguyễn Trường Thành, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Độc tố của ba loại cây này có tác dụng kích thích ốc tiết chất nhờn, dẫn đến mất nước mà chết.

Ba chế phẩm trên đã được sử dụng trên diện rộng tại Đồng Tháp và Lạng Sơn nơi mật độ ốc bươu vàng ở một số huyện như Hữu Lũng, Thanh Bình lên tới 100 – 200 con/m 2 .

Ốc bươu vàng ăn khỏe, mau lớn và có sức sinh sản khủng khiếp. Một con cái đẻ trung bình 2 lần trong 1 tháng, mỗi lần đẻ có thể đạt 500 trứng trong vòng 1 tuần, 2 tháng tuổi đã bắt đầu đẻ trứng và sống tới 4 – 6 năm. Chúng sống ở nhiều nơi có nước như ao, đầm lầy, đầm sen, kênh mương nước, ruộng lúa, chịu đựng được điều kiện khắc nghiệt như nước bị ô nhiễm, tù đọng, thiếu oxy.

Ốc bươu vàng có thể vùi mình trong đất bùn mùa khô và ngủ hè trong 6 tháng, đợi đến khi có nước bò lên sinh sống, gây hại. Chúng có thể chịu được mật độ rất cao, 1000 con/m2.

Kết quả cho thấy sau 2 – ngày rắc thuốc, hiệu quả diệt ốc bươu vàng của các chế phẩm trên ruộng lúa đạt 80 – 90%, không gây chết cá và các động vật thủy sinh khác.

Các hoạt chất trong chế phẩm phân hủy sau khoảng vài ngày nên an toàn cho việc sản xuất các nông sản sạch. Mỗi vụ nông dân chỉ cần dùng một trong ba chế phẩm này để xử lý đồng ruộng, ao hồ nhiễm ốc bươu vàng một lần trước hoặc ngay sau khi gieo cấy.

Việc sử dụng thuốc rất đơn giản, có thể trộn lẫn với phân bón hoặc rắc bình thường trên đồng ruộng. Liều lượng sử dụng mỗi lần là 10 – 20kg/ha với chi phí 6000đ/sào hay160.000 – 200.000đ/ha, thấp hơn so với sử dụng thuốc hóa học.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặc cách cho phép sản xuất và sử dụng các chế phẩm này trên toàn quốc để diệt ốc bươu vàng.

Dự kiến, Viện Bảo vệ thực vật sẽ sản xuất khoảng 100 tấn TICTACK 13.2 BR trong năm nay và chuẩn bị chuyển giao công nghệ này để sản xuất chế phẩm trên quy mô lớn tại Công ty ADC đặt tại TP.HCM.

 

Theo Tiền Phong