1. Cốc cắm dao với hạt gạo lứt.
Chúng ta thường quen với giá cắm dao bằng kim loại, bởi vậy ý tưởng sử dụng thật nhiều hạt gạo lứt để giữ dao đứng thẳng nghe chừng khá lạ lẫm. Tuy nhiên, đây lại là một sáng kiến hữu dụng và dễ hiện thực hóa.
Những thứ bạn cần:
– Cốc, hũ, hoặc lọ bằng nhựa trong, cỡ lớn.
– Giấy bìa màu đen.
– Sơn móng tay các màu.
– Gạo lứt.
– Kéo.
Bước 1: Cắt giấy bìa thành các đoạn để có thể ghép vừa vặn vào cốc nhựa.
Bước 2: Hãy để trí tưởng tượng và để đôi tay bạn tự do quệt những vệt màu sơn móng tay một cách vô nguyên tắc lên một mặt của giấy bìa, tạo thành những mảng màu đan cài ngẫu hứng. Để màu khô tự nhiên trên giấy bìa.
Bước 3: Khi màu đã khô, ghép bìa vào mặt trong của cốc và cắt bỏ những mép thừa. Đổ gần đầy gạo lứt vào cốc. Cắm thẳng vào ngập dao vào cốc gạo. Vậy là bạn đã hoàn thành xong chiếc cốc cắm dao độc có một không hai.
Ưu điểm của chiếc cốc này là các hạt gạo có tác dụng hút ẩm, làm khô dao hiệu quả sau khi rửa. Bạn cũng có thể dễ dàng cắm và rút dao nhờ sự linh động của các hạt gạo tí hon trong cốc.
2. Giá giữ dao bằng nam châm.
Tận dụng tính chất hút kim loại của nam châm, bạn có thể tự mày mò chế tạo cho mình một chiếc giá giữ dao không cần khung nẹp, tạo cảm giác hiện đại và nhẹ nhàng cho căn bếp của bạn.
Những thứ bạn cần:
– Một tấm ván gỗ dẹt, kích thước chiều dài và chiều rộng lần lượt khoảng 38 và 9cm.
– Giấy nhám.
– Băng keo.
– Kẹp giữ ván gỗ.
– Máy khoan.
– Keo sữa.
– Ốc vít.
– 54 miếng nam châm hình tròn, đường kính 2,5cm.
– Bút chì, thước thẳng.
Bước 1: Dùng giấy nhám đánh nhẵn bề mặt tấm gỗ. Kẻ hai đường thẳng song song, cách đều hai cạnh dài tấm gỗ và cách nhau 6,4cm. Đầu mỗi đoạn thẳng cách cạnh ngắn của tấm gỗ 2,5cm. Trên đoạn thẳng, đánh dấu 9 điểm cách đều nhau (với 2 điểm ngoài cùng là điểm đầu đoạn thẳng), khoảng 3,8cm.
Bước 2: Khoan 18 lỗ tròn với tâm là các điểm vừa đánh dấu, chiều sâu gấp 3 lần miếng nam châm.
Bước 3: Khoan hai lỗ nhỏ ở hai đầu tấm gỗ để gắn tấm gỗ lên tường sau khi hoàn thành.
Bước 4: Ghép 3 miếng nam châm vào một khối và dính vào các lỗ tròn lớn vừa khoan.
Bước 5: Đợi cho keo dính khô hẳn rồi cố định tấm gỗ lên tường bằng đinh vít.
Cuối cùng, bạn chỉ cần gắn dao lên tấm gỗ. Các miếng nam châm phía sau sẽ hút chặt dao. Miếng gỗ giữ dao này cũng rất thuận tiện cho công việc làm bếp, giúp bạn thao tác dễ dàng mỗi khi lấy hoặc cất dao.
3. Giá treo bằng chất liệu da.
Nếu gỗ chưa phải là chất liệu bạn ưng ý, hãy thử biến hóa với chất liệu da. Một chiếc giá giữ dao kéo bằng da sẽ tạo cho căn phòng phong cách bóng bẩy và chỉn chu hơn.
Những thứ bạn cần:
– Một thanh gỗ có kích thước 2,5 x 5 x 30,5cm.
– Một miếng da có kích thước ít nhất 17,8 x 35,6cm.
– Giấy nhám.
– Kéo, búa, dùi, đinh mũ.
Bước 1: Đánh mịn thanh gỗ bằng giấy nhám. Đặt thanh gỗ vào mặt trong miếng da, bọc thử lại để xác định tổng diện tích da cần dùng và cắt bỏ những phần thừa (da cần bao phủ tất cả các mặt của thanh gỗ, bạn nên lấy thừa ra một chút để tránh bị hao hụt khi thao tác các bước tiếp theo).
Bước 2: Kéo căng da và bọc hai bề mặt nhỏ nhất ở hai đầu miếng gỗ. Cố định bằng đinh mũ.
Bước 3: Bọc nốt các mặt còn lại và cố định bằng 3 đinh mũ cách đều nhau với hai đinh ở hai đầu thanh gỗ.
Bước 4: Lật mặt kia của thanh gỗ, sử dụng một đoạn vải da dài để tạo các lỗ tròn mắc dao, kéo. Các lỗ được ngăn cách và cố định bằng đinh mũ. Chú ý tạo nhiều lỗ với độ lớn khác nhau, phù hợp với các dụng cụ mà bạn sở hữu.
Vậy là xong, bạn chỉ cần tìm vị trí thích hợp, đóng đinh móc và treo thanh giữ dao, kéo của mình lên. Điểm mạnh của chất liệu da là đẹp, bóng bẩy song điểm yếu là không chịu nước, bởi vậy bạn cần nhớ lau khô dao, kéo trước khi mắc chúng lên thanh giữ này.
Mai Quyên (Nguồn Abeautifulmess, Ehow, Remodelista).
Xem thêm: Mẹo vệ sinh thớt bằng chanh và muối cực hay
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.