“Sao lại phải giành giật thì mới có hạnh phúc?”

hanh-phuc-blogtamsuvn

Ngày xưa, các cô nhân tình nếu có lang chạ, tằng tịu với chồng của người ta thì cũng nhún nhường, biết lỗi và “chiếu dưới” an phận lắm! Có khi cả cuộc đời “bà hai” vừa nằm bên người đàn ông “chồng thiên hạ” ấy vừa lầm rầm khấn nguyện cho ngon giấc đêm nay, đừng để gió thoảng hương đưa đến tai “bà cả” rồi lại tan cửa nát nhà, đeo mo vào mặt, bỏ xứ mà đi vì cái tội giật chồng người.

Nhân tình ngày nay thì táo tợn hơn hẳn. Hình như xã hội phát triển nhanh quá nên các giá trị đạo đức cũng chạy miết không theo kịp với cái Tôi, nên nhân cách con người cứ rơi rụng dần, điển hình nhận thấy là không ít những ả đàn bà thích đi vụng trộm với người đàn ông đã có gia đình hình như không để tâm lắm đến liêm sỉ, nhân cách.

Xưa các cô thấy chuyện “cướp chồng người” là chuyện đáng hổ thẹn, dù cho cả hai người trong cuộc đều cảm thấy tình yêu không có lỗi, nhưng bản thân vốn là người biết nhân – lễ – nghĩa, thế nên cũng biết vài phần xấu hổ trước một mối quan hệ chẳng được một tầng lớp nào trong xã hội cổ xúy.

“Sao lại phải giành giật thì mới có hạnh phúc?”

Ngày nay lại khác. Từ chuyện cái “Tôi” được tự do phát triển, thoải mái trong việc thể hiện các giá trị sống  của bản thân, nên các cô nhân tình bây giờ chẳng còn biết đến xấu hổ, ngại ngần, liêm sỉ khi vụng trộm với chồng người ta. Ừ! Thì cứ cho là luân lý của các cô thế này “nếu khoảng cách của họ không giãn ra thì làm việc có chỗ để tôi chen vào?”. Nói thế nào thì nói, gân cổ lên phân định đúng – sai và đòi quyền được hạnh phúc (thứ hạnh phúc không thuộc về mình) thì cũng chỉ làm cho các cô đã sai lại càng trở nên xấu xí, thảm hại.

Ở đâu ra cái chuyện làm bồ bịch mà dám đi ghen ngược với vợ người ta? Tất nhiên, gia đình họ có rạn nứt, anh ta yêu cô. Nhưng thay vì cô sồn sồn lên đòi làm bà cả, hãy nhẹ nhàng đẩy quả bóng trách nhiệm về phía gã đàn ông đang si mê cô, về giục vợ làm đơn ly hôn. Vì đó là việc của anh ta và vợ, trong mối quan hệ của họ vốn dĩ chưa bao giờ có chỗ cho cô bước vào. Có không ít “bà hai” không hề biết mình là ai và đang ở đâu, vênh mặt lên, liêm sỉ trôi tuột xuống đất, đến nhà “bà cả” đòi quyền lợi, đòi hạnh phúc phải thuộc về mình!

Thế là cuộc chiến đấu để giành giật hạnh phúc diễn ra. Kẻ nào nắm được trái tim của “ông vua” thì kẻ đó sẽ có được chiến thắng. Chỉ nực cười là sau đó, kẻ chiến thắng có khi lại ngậm trái đắng, kẻ thất bại lại học được nhiều bài học giá trị về hạnh phúc!

“Sao lại phải giành giật thì mới có hạnh phúc?”

Nếu vợ của gã lang chạ kia thắng. Hai người quay lại với nhau, kiểu gương vỡ lại lành, nhưng đầy rẫy những vết nứt vá vội, những tổn thương chi chít găm vào lòng, thứ tin yêu vốn vì đã mong manh nên mới  để khí độc tràn vào, nay vá vội vì nghĩa vụ, trách nhiệm và đôi khi một chút ân hận, một chút tình còn sót lại. Hạnh phúc sau khi giành giật về, nó trở nên đáng thương vậy đó…

Nếu nhân tình thắng. Cô ta lên làm “bà cả”. Lại trở thành một “của để dành” của gã nhân tình giờ đã thành chồng mình, nhân quả là có thật và nó sẽ xảy ra ngay trong kiếp này. Thứ hạnh phúc mà cô nhân tình vừa cướp được, chuyển hóa ngay thành một dạng bi kịch tiếp nối, đổi vai. Vai chính mà người đàn bà trước cô đã sắm, rời đi trong thanh thản vì hết vai, nhường cho cô tiếp tục cái cuộc đời  thảm hại mà cô đã từng nhếch mép sỉ vả, coi thường…

Nhân tình của cô, giờ là chồng cô đấy. Vật sở hữu của cô rồi đấy, hãy cố gắng mà giữ anh ta như nắm tiền trong túi vậy. Phải thế thì cô mới giữ được cái hạnh phúc mà cô đã vất vả đoạt được từ tay người đàn bà khác chứ?

 Thế nhưng, cô nhân tình ơi! Hạnh phúc đâu phải như đồng tiền, có thể trao đổi, qua tay và sở hữu. Nếu chưa có được thì bằng mọi giá phải tìm kiếm, bằng mọi giá phải có được, cho dù là phải giành giật từ tay người khác? Cô nhận lại được gì ở một người đàn ông xưa thì nâng niu cô như ngọc vì cái cảm giác phấn khích, vụng trộm giờ coi cô như của để dành, như lương khô đói để ăn dần? Với đàn ông ngoại tình, không phải vì vợ anh ta xấu, không phải vợ anh ta tệ, mà anh ta chỉ muốn sống với cái Tôi, cái bản năng săn mồi của anh ta mà thôi!

Cô nhân tình à, cô tưởng mình đã hiểu thấu đàn ông ư? Cô tưởng cô đoạt được anh ta là cô sẽ có tất cả ư? Vậy sao nước mắt cô lại rơi nhanh đến thế? Những tưởng tình yêu khi đã có được rồi, đã đêm đêm đầu gối tay ấp rồi cô phải mãn nguyện lắm chứ? Tại sao mỗi lần chồng cô đi công tác, cô lại thấp thỏm lo âu đến vậy? Phải chăng cô  biết cái cách mà anh ta thường đi công tác, như anh ta đã từng dối trá vợ để đến với cô?

“Sao lại phải giành giật thì mới có hạnh phúc?”

Vậy đó, các cô nhân tình hiện đại. Khi cái Tôi của các cô quá lớn thì buộc một số thứ nó phải bé lại để cân bằng với não bộ của các cô. Cái nhỏ đi ấy, chính là nhân cách, sự thấu đáo, lòng nhân, sự xấu hổ, tự trọng của một con người. Vì các cô cứ nghĩ, hạnh phúc là phải giành giật, hạnh phúc là phải đấu tranh mới có, thế nên các cô không ngại ngần giật nó từ tay người khác để mang nó về bên mình. Bởi vì các cô không đủ nhân cách, trí tuệ, bản lĩnh để tự xây cho mình hạnh phúc, vậy nên các cô mới phải đi cướp của người khác mang về dùng.

Và, khi mang được “hạnh phúc” mà cô vất vả toan tính mãi mới có được về bên mình, cô vẫn thấy đời nhạt quá, cô vẫn chưa cam lòng, cô vẫn phải thấp thỏm, phải lo sợ…hạnh phúc đâu phải vậy?

Cô biết không cô nhân tình thích giật chồng, hạnh phúc không bao giờ xây lên từ giọt nước mắt đau khổ của người khác, cái thứ mà cô giành giật được là một thứ vỏ “hạnh phúc” – nham nhở và thảm hại, như chính con người của cô vậy!

Nguồn: Theo Emdep/Congluan

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.