Sao Mộc “bắt cóc” sao chổi

Cách đây 60 năm, sao Mộc từng ép một sao chổi bay quanh nó bằng lực hút khủng khiếp. Vệ tinh bất đắc dĩ này chỉ phục tùng kẻ khổng lồ trong 12 năm rồi tẩu thoát.

National Geographic mới đây cho biết vào năm 1949 sao Mộc kéo một sao chổi mang tên 147P/Kushida-Muramatsu vào quỹ đạo của nó. Kết quả là sao chổi có đường kính khoảng 400 m đã bay quanh sao Mộc tới năm 1969. Katsuhito Ohtsuka, một nhà khoa học thuộc tổ chức Tokyo Meteor Network, cùng các cộng sự đã tìm ra hiện tượng này. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các kết quả tính toán từ năm 1993 để xác định hành trình của sao chổi.

Chúng tôi có thể khẳng định rằng sao chổi 147P/Kushida-Muramatsu từng xoay quanh sao Mộc một hoặc hai lần trước khi thoát khỏi lực hút của nó”, David Asher, một chuyên gia của Đài thiên văn Armagh (Anh), phát biểu. 

Sao Mộc và một vệ tinh của nó. (Ảnh: free-review.net)

Từ trước tới nay giới thiên văn mới chỉ phát hiện một vệ tinh tạm thời của sao Mộc bị hủy diệt bởi lực hấp dẫn của nó. Vào năm 1994, sao chổi Shoemaker-Levy 9 vỡ tan thành nhiều mảnh và rơi xuống sao Mộc. Người ta cũng vừa quan sát được một cột khói bụi khổng lồ trên hành tinh này vào tháng 7 vừa rồi. Asher cho rằng đó có thể là kết quả của một vụ va chạm với một sao chổi hoặc thiên thạch.

Không giống như sao chổi xấu số Shoemaker-Levy 9, 147P/Kushida-Muramatsu đã thoát khỏi lực hút của sao Mộc. Hiện nó đang xoay quanh mặt trời và gia nhập vành đai thiên thạch của Thái Dương Hệ. Vành đai này nằm giữa quỹ đạo sao Hỏa và sao Mộc.

Nhưng Kushida-Muramatsu không phải là vệ tinh tạm thời cuối cùng của hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt Trời. Giới thiên văn cho rằng, trong khoảng thời gian từ năm 2068 tới 2086, sao chổi 111P/Helin-Roman-Crockett có thể sẽ bị sao Mộc “bắt cóc” và trở thành vệ tinh tạm thời của nó. Sao chổi này sẽ di chuyển xung quanh sao Mộc 6 vòng trước khi thoát ra.

Nhiều người lập luận rằng lực hút của trái đất đủ mạnh để biến một sao chổi hoặc thiên thạch thành vệ tinh tạm thời.

Có nhiều bằng chứng cho thấy một số vật thể nhỏ trong vũ trụ bị hút về phía địa cầu, nhưng sau đó chúng lại thoát ra. Vì thế, về mặt lý thuyết thì hành tinh của chúng ta có thể có vệ tinh tạm thời”, Asher nói.

Tuy nhiên, những vật thể lớn có thể gây nên thảm họa nếu chúng rơi xuống trái đất. May mắn thay, viễn cảnh đen tối này rất khó xảy ra, bởi những sao chổi hay thiên thạch lớn luôn bị hút về phía sao Mộc. Như vậy, chúng ta có thể nói sao Mộc là một trong những thiên thể bảo vệ nền văn minh trái đất khỏi thảm họa diệt vong.

 

Theo Minh Long – Vnexpress, National geographic