Nếu duy trì giải pháp chôn lấp thì năm năm nữa TP.HCM sẽ không còn đất chôn rác. Trong khi đó ô nhiễm do nước rỉ rác, mùi hôi rác càng ngày càng trầm trọng…
Lo vỡ bờ bao chắn nước rỉ rác
Bãi chôn lấp rác Phước Hiệp (Củ Chi) đã quá tải nhưng vẫn phải tiếp nhận rác (Ảnh: T.T.D) |
Ông Trần Thế Ngọc, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, cho biết công trường xử lý rác Đông Thạnh (Hóc Môn) đã đóng bãi, không tiếp nhận chất thải rắn mà chỉ tiếp nhận xà bần, mỗi ngày khoảng 900 tấn. Trong khi đó tại bãi số 1 khu liên hợp xử lý Phước Hiệp đang tiếp nhận khoảng 1.500 tấn mỗi ngày. Lượng nước rỉ rác tại đây được thu về 18 hố.
Cũng theo ông Ngọc, khu xử lý rác Gò Cát (quận Bình Tân) mỗi ngày tiếp nhận 3.000-3.500 tấn rác. Hiện lượng nước rỉ rác tại đây được lưu chứa tại hai hồ khoảng 60.000m3.
Công ty Môi trường đô thị đã phải gia cố và nâng cao bờ bao để không xảy ra sự cố vỡ bờ bao và chảy tràn nước rỉ rác. Tuy nhiên, do hệ thống xử lý nước rỉ rác đang có sự cố tại hệ thống tiền xử lý trước khi vào hệ thống lọc nano nên lượng nước rỉ rác xử lý mỗi ngày… chỉ đạt 40m3.
Để khắc phục giảm tải nước rỉ ở đây, nhất là trong mùa mưa, Công ty Môi trường đô thị phải chở mỗi ngày 700-800m3 nước rác về bãi Đông Thạnh để xử lý.
Riêng tại bãi chôn lấp số 1 (Củ Chi), do gặp sự cố nên phải áp dụng các biện pháp như giảm công suất tiếp nhận tại công trường từ 3.000 tấn/ngày xuống còn 1.000-1.200 tấn/ngày; chôn lấp chủ yếu trên đỉnh bãi rồi san đều ra hai bên, tăng cường phủ bạt tách mưa để giảm khối lượng riêng của rác…
Vẫn tiếp tục chôn
Rác chôn ở trên, nước rác rỉ ra ở dưới phải xử lý hết sức vất vả (ảnh chụp tại bãi Phước Hiệp, Củ Chi) (Ảnh: T.T.D) |
Lượng rác ngày càng tăng. Năm 2006 khối lượng chất thải đã tăng hơn năm 2005 khá nhiều, trong đó rác sinh hoạt tăng gần 8%, xà bần tăng 15%.
Tuy nhiên, theo ông Trần Thế Ngọc, trong hai năm 2007-2008 TP vẫn phải tiếp tục chôn lấp rác với dự án của VWS (2.500 tấn/ngày) và bãi chôn lấp 1A- Phước Hiệp (3.000 tấn/ngày).
Sang giai đoạn 2009-2010 mới hi vọng giảm lượng rác chôn lấp xuống còn 35%, bởi lúc đó TP mới có các dự án chế biến compost (chiếm 23%) và phân loại tái chế (chiếm 14%) của sáu doanh nghiệp tham gia. Cũng đến thời điểm này, dự án đốt rác thành điện tại Đa Phước dự kiến xử lý khoảng 2.000 tấn/ngày mới hình thành.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường TP giải thích tháng 11-2006 sở đã tiếp nhận hồ sơ các dự án tham gia xử lý chất thải rắn và đã chọn được sáu dự án vào giai đoạn 2. Sở sẽ lựa chọn hai dự án khả thi, trong đó ưu tiên dự án đốt và thu hồi năng lượng điện với giá xử lý đề nghị là 16-18 USD/tấn, giá bán điện 0,06-0,08 USD/kWh.
Các tiêu chí xét duyệt bao gồm: công nghệ, nguyên liệu và thiết bị, tiêu chuẩn môi trường… Trong đó ưu tiên các loại hình công nghệ tiên tiến như đốt, làm phân vi sinh kết hợp với thu khí phát điện, hoặc cao hơn nữa là làm khu liên hiệp xử lý với nhiều công nghệ liên hoàn, hỗ trợ lẫn nhau.
Lê Anh Đủ
Số liệu chi ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường của Sở TNMT trong năm 2005 và 11 tháng đầu năm 2006: năm 2005: 356,351 tỉ đồng; năm 2006: 404,969 tỉ đồng (tính đến ngày 8/12/2006); trong đó chi cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác của riêng Công ty Môi trường đô thị là 377,654 tỉ đồng (chiếm 93,25%). |
Theo Tuổi trẻ, Tiền phong