Mô hình máy bay không người lái Green Falcon II thân thiện với môi trường đã được nghiên cứu sinh Wesam Al Sabban tại Đại học Công nghệ Queensland chế tạo thành công.
>>>Máy bay không người lái nhanh nhất thế giới
Mô hình máy bay không người lái Green Falcon II của kỹ sư Wesam Al Sabban |
Theo nhà thiết kế Al Sabban, chiếc máy bay không người lái Green Falcon II sử dụng năng lượng gió để bay như một con chim, do đó nó sẽ không phát thải khí gây ô nhiễm môi trường và tận dụng nguồn gió để phục vụ mọi chuyển động của máy bay.
Hiện tại, Al Sabban đang nghiên cứu cách loài chim sử dụng năng lượng gió để bay với lượng sức ít nhất, cũng như phát triển hệ thống dự báo cường độ năng lượng mặt trời, kết hợp với hướng gió để thiết lập bản đồ bay và cung cấp năng lượng cho Green Falcon II.
Mô hình máy bay không người lái (UAV) của kỹ sư Al Sabban sẽ phải mất thêm 18 tháng nữa để hoàn thành. Tuy nhiên, nó đã nhận được 3 giải thưởng tại Hội chợ Thương mại quốc tế iENA lần thứ 63 chuyên giới thiệu những phát minh mới trên toàn thế giới được tổ chức hàng năm tại Nuremberg, Đức.
Tại hội chợ thương mại lần này, phát minh của Al Sabban đã phải cạnh tranh với 750 sản phẩm công nghệ của các nhà khoa học thuộc 30 quốc gia khác để giành giải thưởng.
“Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới công nghệ xanh và trong nhiều năm tổ chức hội chợ, chúng tôi đã được chiêm ngưỡng rất nhiều mô hình UAV dựa theo mô phỏng hoạt động của loài chim. Tuy nhiên, mô hình của Al Sabban là thành công hơn cả trong ứng dụng hệ thống không người lái dân sự và điện tử hàng không vũ trụ”, Tiến sĩ Felipe Gonzalez, công tác tại Trung tâm nghiên cứu tự động hóa hàng không vũ trụ Úc (ARCAA) cho biết.
Sau khi hoàn thành, máy bay Green Falcon II có khả năng hỗ trợ công tác kiểm tra đường dây tải điện, cứu trợ thiên tai, lập bản đồ khai thác mỏ 3D và nhiều ứng dụng quét tự động.
Nhà tổ chức hội chợ iENA hy vọng họ sẽ sớm tìm được đối tác để chuyển giao bản thiết kế Green Falcon II, nhằm thương mại hóa loại máy bay mới này vào năm 2013.
Theo Physorg, Báo Mới