Sắp xuất hiện loại áo khoác “biết” làm mát cơ thể

Sắp xuất hiện loại áo khoác “biết” làm mát cơ thể

Những ngày hè nóng bức sẽ trở nên mát mẻ hơn nhờ một loại quần áo với hệ thống làm mát bên trong đang được các nhà khoa học phát triển.

Empa, một công ty công nghệ vật liệu của Thuỵ Sĩ đã phát triển một loại áo vest “thông minh” với hệ thống làm mát được tích hợp bên trong. Công nghệ Coolpad tạo ra chiếc áo với những miếng đệm chứa đầy nước cho phép thoát nhiệt thông qua màng tế bào và làm mát môi trường xung quanh. Một cánh quạt nhỏ được gắn phía sau các miếng đệm nước này để thổi không khí vào làm mát cơ thể.

Sắp xuất hiện loại áo khoác “biết” làm mát cơ thể
Áo khoác khiến cơ thể mát hơn trong ngày hè nóng bức

Công nghệ làm mát thông minh này cũng có thể áp dụng cho các loại quần áo bình thường khác, áo khoác đồng phục, áo nguỵ trang trong quân đội, thậm chí ngay cả ba lô.

Việc tích hợp một hệ thống điều hoà không khí mini vào quần áo là điều không dễ dàng chút nào. Nó đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải thiết kế những miếng đệm vải chịu được áp lực nhưng cũng rất linh hoạt và mềm mại. Mặt khác, rất khó để tìm được trên thị trường một loại quạt nào đủ nhỏ để gắn vào trong áo nên các kĩ sư của Empa phải tự thiết kế chúng. Các miếng đệm nước cũng được kiểm tra kĩ vì chúng thường hay gặp sự cố rò rỉ nước trong quá trình thử nghiệm.

Một nguồn pin nhỏ cung cấp năng lượng cho chiếc áo và một vi mạch điện tử điều khiển lưu lượng không khí cũng được tích hợp vào bên trong. Các chuyên gia của Empa đã sử dụng công nghệ hàn bằng điode laser để tạo ra các mối hàn siêu mỏng kết nối các miếng đệm nước lại với nhau bằng những đường may mềm mại.

Các nhân viên của lực lượng cảnh sát thành phố Zurich đã thử nghiệm loại áo này và cho biết họ cảm thấy rất thoải mái khi mặc chúng. Với những chiếc áo điều hoà này, cảm giác nóng bức khó chịu khi phải khoác lên mình những bộ áo khoác chống đạn sẽ không còn nữa. Dự kiến những chiếc áo hơi nước đầu tiên sẽ được sản xuất trong tương lai không xa.

Tham khảo: Livescience

 

Theo Đất Việt, Livescience