“Thủy triều đỏ” – sinh vật thủy sinh nhỏ xíu trong những đợt bùng nổ tảo, có thể mang đến sự hủy diệt khủng khiếp hơn những gì người ta vẫn nghĩ về nó, với khả năng gây nhiễm độc toàn bộ chuỗi thức ăn trên biển.
>>>Khám phá bí mật thủy triều đỏ
Nhóm chuyên gia của Đại học Connecticut (Mỹ) đã xác định được loài phiêu sinh vật Alexandrium tamarense chứa không những một mà đến hai dạng chất độc. Trong đó, một loại có khả năng tiêu diệt kẻ săn mồi cỡ nhỏ; loại còn lại đủ sức hạ gục những sinh vật lớn xác khác.
Thủy triều đỏ nguy hiểm hơn ta vẫn tưởng
“Nếu nó giết chết động vật đa bào với một loại chất độc và sinh vật đơn bào với loại chất độc khác, nó chẳng khác nào sát thủ của đại dương”, AFP dẫn lời chuyên gia về đại dương Hans Dam.
Khả năng sát hại cả sinh vật săn mồi cả cỡ lớn lẫn nhỏ có thể dẫn đến sự phá vỡ trong lưới thực phẩm nơi biển cả trong những đợt lây lan “thủy triều đỏ”, giống như diễn biến tại bờ đông bắc Mỹ vào năm 2005.
Alexandrium ở lượng ít thường vô hại đối với con người, nhưng nếu chúng được hấp thu bởi các sinh vật biển như con trai, sò, hoặc những sinh vật là thức ăn của loài giáp xác, chất độc sẽ được bồi đắp thêm và lên đến mức gây nguy hiểm cho người.
Tại một số nơi trên thế giới, chỉ cần ăn phải thịt tôm cua bị nhiễm độc là đủ ngã bệnh hoặc thậm chí tệ hơn là tử vong.
“Điều kỳ diệu là khi bạn nhìn tảo qua kính hiển vi, chúng thật tuyệt đẹp. Nhưng sự chết chóc thì cũng chẳng kém”, chuyên gia Dam nói. Đó là lí do mà các nhà khoa học gọi chúng là những “sát thủ mỹ nhân”.
Theo Thanh Niên