Sát thủ vô hình trên đường phố

Một nghiên cứu tại Anh cho thấy khí thải từ các phương tiện giao thông là hung thủ giết chết nhiều người nhất trên các đường phố hằng năm. 

Các phương tiện giao thông trên đường cao tốc M25 tại Anh. Đây là con đường có lưu lượng xe cộ lớn nhất tại châu Âu. Ảnh: PA.

Theo những con số thống kê từ năm 1998 tới nay, có tới 24.000 người tại Anh chết sớm hàng năm do khí thải từ xe cộ. Trong khi đó, trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 2.600 người mất mạng vì tai nạn giao thông tại xứ sở sương mù. Các nhà nghiên cứu của Liên minh châu Âu khẳng định số người chết thực sự vì khí thải xe cộ tại Anh cao hơn hai lần so với các thống kê đã được công bố, bởi nhiều nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí trên đường phố gây nên nhiều bệnh kinh niên ở người.

Telegraph cho biết, hồi đầu tháng 2, Ủy ban Kiểm toán Môi trường của hạ viện Anh, đã nghe một báo cáo về việc khoảng 35.000 người Anh chết sớm trong năm 2005 vì tiếp xúc với các hạt siêu nhỏ trong không khí do phương tiện giao thông thải ra. Giáo sư Frank Kelly, một chuyên gia về y tế môi trường của Đại học King tại Anh, khẳng định chỉ riêng tại thủ đô London có chừng 3.500 – 8.000 người chết mỗi năm vì ô nhiễm giao thông.

Tim Yeo, người đứng đầu Ủy ban Kiểm toán Môi trường của hạ viện Anh, thừa nhận ông cảm thấy “choáng váng” khi nghe những thống kê mới nhất. Telegraph cho biết, mỗi năm nền kinh tế Anh mất khoảng 28 tỷ USD do người lao động nghỉ làm và phát bệnh bởi khí thải từ phương tiện giao thông.

Các phương tiện giao thông đường bộ tạo ra ra khoảng 70% khí thải tại các vùng đô thị. Khí thải từ xe cộ có rất nhiều NO2 – một trong những loại khí gây nên bệnh hen suyễn ở trẻ em – và nhiều loại hạt siêu nhỏ. Cả NO2 và hạt siêu nhỏ được thải ra ngoài không khí sau quá trình đốt nhiên liệu trong động cơ và có thể gây nên nhiều bệnh ở đường hô hấp. Các nhà khoa học không thể đo được nồng độ chính xác của chúng trong không khí.

Mặc dù các chính phủ ngày càng đề ra nhiều quy định nghiêm ngặt về khí thải, NO2 và hạt siêu nhỏ vẫn tồn tại trong khí quyển nhờ sự gia tăng của động cơ diesel – vốn thải ra ít khí CO2 nhưng lại tạo ra nhiều hạt nhỏ xíu có khả năng phá hoại buồng phổi của người. Trong thập niên 90, chỉ có 8% xe hơi mới tại Anh dùng động cơ diesel, nhưng ngày nay con số đó đã tăng lên hơn 40%.

Viện Health Effects tại Mỹ đã tổng kết hơn 700 nghiên cứu về ô nhiễm không khí gần đây. Báo cáo của viện cho thấy, các bệnh về tim và phổi sẽ phát sinh nếu con người tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thời gian dài. Trong số đó có nhiều bệnh có thể giết người như xơ vữa động mạch (có thể dẫn tới đau tim hoặc đột quỵ) và nghẽn phổi. Báo cáo nói bào thai có thể gặp nhiều vấn đề nguy hiểm nếu thai phụ sống cách một đường lớn dưới 500m. Phổi của trẻ em sống trong môi trường bị ô nhiễm nặng sẽ khó có thể hoạt động bình thường.

 

Theo VnExpress