Các nhà khoa học Nhật Bản đã khám phá ra bí quyết giúp sâu bướm thu phục những con kiến và biến chúng trở thành vệ sĩ cho nó.
Nguyên nhân khiến kiến trở thành vệ sĩ trung thành của sâu bướm
Sâu bướm tiết ra một hợp chất có vị ngọt khiến những con kiến mắc nghiện và tình nguyện trở thành nô lệ cho nó. Phát hiện mới của các nhà khoa học Nhật Bản đã thay đổi quan niệm truyền thống về “sự trao đổi công bằng” giữa các loài côn trùng.
Chất ngọt do sâu bướm tiết ra biến kiến thành những vệ sĩ trung thành của nó. (Ảnh: Masaru Hojo.)
Một nhóm nghiên cứu ở Đại học Kobe, Nhật Bản, nhận thấy những con kiến phục vụ sâu bướm xanh rất đều đặn, chúng quên cả các hoạt động thường nhật và nhiệm vụ tìm kiếm thức ăn. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng kiến tự nguyện gặp sâu bướm trong quan hệ cộng sinh nhằm tận dụng hợp chất có vị ngọt giống si rô do sâu bướm tiết ra.
Những con kiến xếp hàng phục vụ sâu bướm trong hai tiếng đồng hồ, lấy chất ngọt và rời đi. Tuy nhiên, chính những con kiến này cũng là những vệ sĩ trung thành thường xuyên đứng canh gác cho sâu bướm.
Các nhà khoa học phát hiện sâu bướm kiểm soát vệ sĩ của nó thông qua tín hiệu hóa học và tín hiệu thị giác. Những con kiến nếm chất ngọt bắt đầu tiếp nhận tín hiệu từ chuyển động của xúc tu trên mình sâu bướm và tuân theo sự chỉ đạo của nó.
Do sâu bướm phải biến đổi thành bướm an toàn, nó cuộn mình trong một cái kén. Ở thời kỳ này, nó cần được bảo vệ khỏi các loài săn mồi như ong bắp cày và nhện. Tín hiệu hóa học mạnh tiết ra từ sinh vật dễ bị tấn công này giúp nó tập hợp một đội vệ sĩ hung dữ và trung thành.
“Những tế bào tuyến nằm gần xúc tu có thể tiết ra tín hiệu hóa học. Cả tín hiệu thị giác và tín hiệu hóa học đều kích thích tính hung dữ ở kiến,” New Scientist hôm 31/7 dẫn lời nhà nghiên cứu Masaru Hojo.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy những con kiến nô lệ có nồng độ dopamine, một chất hóa học chịu trách nhiệm về việc di chuyển và tính hung dữ của côn trùng, thấp hơn những con không nếm thử chất ngọt. Sau khi hấp thụ loại thuốc mang tên reserpine giúp ngăn cản sự phát tán của dopamine, những con kiến trở nên bớt phụ thuộc vào sâu bướm hơn.
“Chất ngọt tiết ra từ cơ quan trên lưng sâu bướm họ lycaenid có thể điều khiển hành vi của kiến phục vụ bằng cách thay đổi điều tiết chất dopamine và gia tăng lòng trung thành với đối tác,” Hojo và đồng nghiệp kết luận.
Theo VnExpress