Sau động đất, Việt Nam có thể hứng chịu sóng thần

0
110
Sau động đất, Việt Nam có thể hứng chịu sóng thần

Ông Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần- Viện Vật lý địa cầu cho biết, việc xảy ra động đất ở Lào Cai là bình thường và những lo lắng về sóng thần xảy ra ở Việt Nam cũng là có cơ sở.

Tính từ đầu năm đến nay, riêng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra cảm nhận được dư chấn động đất từ các vùng lân cận: Vân Nam – Trung Quốc (ngày 19/4); khu vực biên giới Mianmar (ngày 24/3) và gần đây nhất là vào đêm 21/5, tại TP. Lào Cai đã xảy ra hiện tượng động đất. Nhiều người thấy giường bị chao lắc, lan can và cửa sổ nhà cao tầng rung.

Đặc biệt vào sáng 28/4, một trận động đất lại tiếp tục xảy ra tại Lai Châu. Đây là trận động đất thứ 3 liên tiếp mạnh trên 3,5 độ richter và là 1 trong khoảng 10 trận động đất xảy ra tại khu vực Sơn La, Lai Châu chỉ trong quãng thời gian có 4 ngày. Cũng trong ngày 28/4 này đã có 5 – 6 trận động đất xảy ra ở Lai Châu và Thanh Hóa. Ngoài ra còn rất nhiều trận động đất nhỏ khác đã xảy ra. Hiện tượng này đã làm nhiều người dân tỏ ra lo ngại và hoang mang.

Liệu đây có phải là biểu hiện ban đầu của hàng loạt các hiện tượng thiên nhiên bất thường tiếp theo. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý địa cầu.

Từ đầu năm đến nay Lào Cai liên tục có động đất. Điều này được lý giải thế nào thưa ông? Liệu chúng ta có dự báo được trước về sự xuất hiện của các đợt động đất tiếp theo hay không?

Tiến sỹ Lê Huy Minh: Việc các trận động đất xảy ra liên tục trong thời gian qua cho thấy các đới đứt gãy ở nước ta đang hoạt động mạnh và không loại trừ một chu kì động đất mạnh đang lặp lại ở Việt Nam.

Sau động đất, Việt Nam có thể hứng chịu sóng thần
Tiến sỹ Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần,
Viện Vật lý địa cầu.

Việt Nam nằm trên một loạt các đới đứt gãy như đới đứt gãy sông Hồng; Vùng đất gãy sông Mã kéo dài từ Điện Biên đến sông Mã, sang Lào lại quay trở lại Việt Nam ở vùng đất Thanh Hoá; Đứt gãy Lai Châu, Điện Biên; Đứt gãy Sơn La nên động đất lại thỉnh thoảng xảy ra.

Động đất ở trên các đới đứt gãy ấy thì người ta đánh giá được dư chấn, độ, chứ còn không dự báo trước được là khi nào động đất xảy ra và sẽ xảy ra như thế nào.

Vậy đây có phải là hiện tượng bất thường hay không?

– Không phải là hiện tượng bất thường bởi vì động đất xảy ra tương đối thường xuyên. Trên trái đất mỗi ngày có hàng triệu trận động đất xảy ra. Nhưng quả thực là từ năm ngoái đến năm nay động đất có xảy ra nhiều hơn so với những năm trước đây. Nhưng tại sao lại có hiện tượng này thì khó có thể giải thích được vì đây là hiện tượng thiên nhiên bất thường.

Thực tế hiện nay, hệ thống trạm cảnh báo của Việt Nam có tốt hơn nên khi có động đất xảy ra, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần sẽ thường xuyên thông tin cho người dân.

Nhưng có một thực tế là người dân chưa hiểu biết cụ thể về động đất và sóng thần nên sẽ có suy nghĩ động đất nhiều thì Việt Nam sắp có sóng thần?

– Đúng là từ đầu thế kỷ 21 đến nay hiện tượng thiên tai trên thế giới xảy ra nhiều, đã xuất hiện nhiều trận sóng thần rất lớn và nguy hiểm tại Chi Lê, Nhật Bản… Nên việc lo lắng của người dân là cũng có cơ sở.

Thiên niên bước vào thế kỷ 21 đúng là có phức tạp hơn. Động đất ở Việt Nam cũng nhiều hơn. Nhưng động đất ở Việt Nam thì cũng chưa có động đất lớn.

Từ trước đến nay, mới chỉ quan sát được 3 trận động đất lớn là động đất Điện Biên (năm 1935) với cường độ 6,75 độ Richter xảy ra trên đới đứt gẫy sông Mã. Trận lớn thứ hai là động đất Tuần Giáo (năm 1983), với cường độ 6,8 độ Richter, xảy ra trên đới đứt gẫy Sơn La.

Ngoài ra, vùng ngoài khơi Nam Trung Bộ, năm 1923 cũng có 1 trận động đất 6,1 độ Richter (thuộc ở vùng biển vũng Tàu, Phan Thiết). Trận động đất này này đi cùng hiện tượng phun trào núi lửa Hòn Choi, trên đới đứt gãy kinh tuyến 109-110.

Từ năm 2005 trở lại đây, có vẻ ngày càng xuất hiện nhiều trận động đất hơn, có năm nhiều hơn đến 10 trận. Tuy nhiên, cường độ các trận động đất gần như nhau, không có sự tăng giảm mạnh.

Năm 2010, có rất nhiều trận động đất xảy ra ở Việt Nam. Trong đó, trận lớn nhất đạt 5 độ Richter. Còn những trận nhỏ hơn thì xảy ra trên hàng loạt đứt gãy như Mường Lay – Bắc Yên, Cao Bằng-Tiên Yên, đứt gãy sông Mã, Sông Cả… Tuy nhiên, những trận động đất này không gây thiệt hại lớn.

Sau động đất, Việt Nam có thể hứng chịu sóng thần

Vậy có thể có sóng thần ở Việt Nam không?

– Cho đến nay chưa có bằng chứng nào xác nhận là bờ biển Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều về sóng thần. Ghi nhận về những số liệu khoa học và các tài liệu nghiên cứu từ trước đến nay cũng chưa có bằng chứng nào xác định là ở Việt Nam đã tồn tại sóng thần. Nhưng nghiên cứu về động đất xảy ra ở vùng biển Đông thì thấy ở rãnh nước sâu vùng đới chìm Manila ở Philippin nếu có động đất 8,5 độ richter (trên thực tế năm 2006 ở đây đã xảy ra động đất 8,2 độ richter, nhưng không gây nên sóng thần) thì cũng có thể gây ra sóng thần ở bờ biển Việt Nam. Còn cụ thể như thế nào thì chưa được biết.

Như vậy, bờ biển Việt Nam chỉ xảy ra động đất nếu ở dải đất chìm tại Manila (Philippin) có xảy ra động đất trên 8,5 độ richter?

– Đúng vậy. Nếu có động đất lên đến 8,5 độ richter thì nguy cơ xảy ra sóng thần ở bờ biển Việt Nam là hiện hữu. Nhưng phải xảy ra trong rãnh nước sâu đới chìm Manila thì mới nguy hiểm.

Việt Nam có những đợt đứt gẫy, tại những điểm này động đất có xảy ra là bình thường, về chuyện sóng thần thì cũng không có gì phải lo lắng quá. Bởi Viện Vật lý địa cầu hiện có hệ thống quan trắc động đất rất tốt. Nếu có chuyện xảy ra động đất kèm sóng thần ở Philippin thì Việt Nam vẫn có hai tiếng đồng hồ để phát lệnh cảnh báo và sơ tán người dân ở vùng có nguy cơ xảy ra sóng thần.

Xin cảm ơn ông!

[#RelatedNews(213)#]

 

Theo VnMedia