Sảy thai sớm – những nguyên nhân và triệu chứng không thể bỏ qua (P1)

Sảy thai sớm - những nguyên nhân và triệu chứng không thể bỏ qua (P1)
Sảy thai là mất mát lớn, nỗi đau lớn của những bà mẹ tương lai. Vậy, nguyên nhân, triệu chứng của sảy thai là gì? Bạn có thể làm gì để ngăn ngừa vấn đề này xảy ra? Hãy tìm hiểu kiến thức về sảy thai này ngay bây giờ!
Sảy thai có phổ biến không?
Theo thống kê, các trường hợp sảy thai chiếm từ 10 – 25% các ca mang thai. Trong đó, có 80% các ca sảy thai xảy ra trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sảy thai sớm xảy ra nhưng người phụ nữ đó không biết rằng mình vừa có thai.
Nguyên nhân của sảy thai
Nếu bạn đã từng sảy thai, bạn có thể muốn biết nguyên nhân tại sao hiện tượng này xảy ra. Còn đối với hầu hết phụ nữ, họ thường không muốn tìm hiểu về nguyên nhân gây ra sảy thai vì điều này khiến họ cảm thấy đau đớn, bất lực và muốn lảng tránh. Tuy nhiên, bạn có thể phòng ngừa được sảy thai nếu biết rõ nguyên nhân của nó. Dưới đây là những nguyên nhân chính của sảy thai mà bạn cần biết:
Các vấn đề về nhiễm sắc thể: Các vấn đề về nhiễm sắc thể gây ra ít nhất một nửa các trường hợp sảy thai. Khi gặp các vấn đề về nhiễm sắc thể, em bé có sự phát triển không bình thường hoặc không thể tiếp tục phát triển trong tử cung và bị đẩy ra ngoài. 
Tuổi của người mẹ: Càng mang thai muộn, phụ nữ càng có nguy cơ sảy thai cao do trứng có chứa các nhiễm sắc thể bất thường.
Sức khỏe của người mẹ: Sảy thai cũng có thể xảy ra ở các phụ nữ có các bệnh như nhiễm trùng, bệnh về tuyến giáp, các vấn đề về hoóc-môn, u xơ tử cung và bệnh lạc nội mạc tử cung.
Sảy thai sớm - những nguyên nhân và triệu chứng không thể bỏ qua (P1)
Dùng chất kích thích: Các chất chứa cồn trong rượu, nicotine trong thuốc lá, cafeine trong cà phê và trà có thể làm tăng nguy cơ sảy thai. Trong đó, tiêu thụ lượng cafeine nhiều hơn 200mg/ngày có thể khiến phụ nữ bị sảy thai cao hơn các chất kích thích khác.
Cân nặng: Cả thiếu cân và thừa cân đều làm tăng nguy cơ sảy thai. Do đó, điều chỉnh cân nặng thích hợp trước khi mang thai là biện pháp cần thiết để ngăn ngừa sảy thai sớm.
Sảy thai liên tiếp: Những người phụ nữ sảy thai nhiều lần có nguy cơ bị sảy thai lại cao hơn những phụ nữ khác.
Yếu tố V Leiden: Đây là một loại đột biến gen đông máu làm giảm tỉ lệ sống ở thai nhi và gây ra sảy thai. Để ngăn ngừa đột biến này, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm đột biến này trước khi bạn mang thai. Nếu bạn có đột biến này, hãy ngừng uống axit folic mà uống axit folinic và methylfolate thay thế.
Chẩn đoán sảy thai
Bạn có thể phát hiện mình bị sảy thai sau khi có các triệu chứng của sảy thai và đi gặp bác sĩ. Những người khác lại phát hiện ra họ bị sảy thai trước khi biết mình có thai, hoặc chỉ sau khi họ đi siêu âm. Để chắc chắn rằng bạn bị sảy thai, hãy:
–    Đi kiểm tra máu để biết nồng độ hoóc-môn của mình
–    Chú ý các dấu hiệu như chảy máu và các dấu hiệu của mang thai có biến mất hay không
–    Siêu âm định kỳ
Bác sĩ sẽ cho biết bạn bị sảy thai hoàn toàn hay không dựa vào mô thai đã mất hay vẫn còn ở trong tử cung. Sảy thai cũng có thể xảy ra khi phôi thai đã chết nhưng vẫn ở lại trong tử cung.
Những triệu chứng của sảy thai sớm
Hầu hết phụ nữ bị sảy thai đều có những triệu chứng giống như đến chu kỳ kinh nguyệt, đau nhẹ và chảy máu nhiều hơn bình thường. Những người khác có thể cảm thấy đau hơn. Dưới đây là những triệu chứng thường gặp nhất của sảy thai sớm:
–    Chảy máu âm đạo và có dịch nhày đục
–    Đau lưng dưới
–    Âm đạo có mùi
Chú ý: Tình trạng chảy máu có thể kết thúc nhanh hay lâu tùy thuộc vào mô thai ra ngoài sớm hay muộn. Trung bình thời gian máu ngừng chảy là từ 1 – 3 tuần. Nếu tình trạng máu chảy lâu và dai dẳng, bạn có thể phải cần đến sự can thiệp của y tế.
Mời mẹ tiếp tục theo dõi những kiến thức liên quan đến sảy thai sớm trong bài tiếp theo đăng trên ChaMeCuaCon.com nhé!
Nguyễn Mai – Nguồn: BB

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.