Science bác bỏ chuyện vi khuẩn ăn thạch tín

Science vừa cho đăng tải 2 báo cáo mới với lập luận hoàn toàn trái ngược nghiên cứu cho rằng có vi khuẩn ăn thạch tín tồn tại trên trái đất.

Trong một phát hiện chấn động được đăng tải trên chuyên san uy tín Science vào năm 2010, vi khuẩn lạ ở vùng hồ Mono, phía đông California (Mỹ), được cho là sống nhờ vào một dạng “thực phẩm” không tưởng – thạch tín.


Hồ Mono, nơi tồn tại vi khuẩn gây tranh cãi

Báo cáo trên lập tức tạo tiếng vang không những trong giới khoa học mà còn khiến người thường hết sức ấn tượng, với nhiều người tin rằng trên đời vẫn còn những sự sống đầy khác biệt, huống chi tại các hành tinh xa xôi.

Mới đây, cũng chính chuyên san khoa học Science đã đăng bài bác bỏ hoàn toàn nghiên cứu trên. Theo đó, chứng cứ rõ rành rành rằng vi khuẩn chẳng thể nào hấp thu thạch tín để tồn tại được.

Để phản bác được nghiên cứu đầu tiên với trưởng nhóm là Felisa Wolfe-Simon của Viện Sinh học vật lý thuộc NASA, một nhóm khác, dẫn đầu là Rosemary Redfield của Đại học British Columbia (Canada), khẳng định thạch tín có trong hồ Mono không đóng góp gì đến sự tăng trưởng của vi khuẩn.

Một báo cáo khác, do các chuyên gia Thụy Sĩ thực hiện, cho thấy vi khuẩn trên có khả năng kháng cự mạnh trước tác động độc hại của thạch tín, nhưng chúng vẫn phụ thuộc vào phốt pho để sinh trưởng, giống như mọi sinh vật khác.

Các chuyên gia kết luận rằng trong cuộc thí nghiệm ban đầu, nhóm chuyên gia NASA đã không lưu ý rằng những dấu vết nhiễm phốt pho có thể đã giúp vi khuẩn tăng trưởng.

Theo đó, vi khuẩn tại hồ Mono không hề phá bỏ quy luật lâu đời về sự sống, trái ngược với báo cáo của chuyên gia Wolfe-Simon.

 

Theo Thanh Niên