Nhà in an ninh Bundesdruckerei (Đức) và công ty chế tạo màn hình Samsung SDI vừa cho ra mắt loại hộ chiếu thông minh. Màn hình OLED của hộ chiếu này cung cấp những dữ liệu đáng tin cậy hơn.
Hộ chiếu điện tử sẽ có màn hình dẻo OLED và lưu dữ liệu video nhận dạng cá nhân. (Ảnh: securityworldmag.com) |
Dựa trên những kỹ thuật lâu năm của nhà in an ninh dùng cho các loại giấy tờ cá nhân như giấy chứng minh thư, hộ chiếu… kết hợp với giải pháp công nghệ giấy điện tử do Samsung phát triển, kết quả của sự hợp tác là chiếc hộ chiếu điện tử có màn hình màu hiển thị thông tin nhận dạng theo từng trang xuất hiện lần lượt.
Thẻ hộ chiếu điện tử có kích thước khá mỏng, vì vậy được cấu tạo bằng vậy liệu đặc biệt để ít bị ảnh hưởng bởi các lực tác động trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, chiếc thẻ này còn được trang bị bộ phận chống hấp thụ nhiệt để bảo vệ các linh kiện điện tử bên trong hoạt động ổn định.
Ứng dụng này có thể hiển thị trên hộ chiếu khối lượng thông tin lớn hơn, bao gồm cả hình ảnh video của người được cấp.
Thông tin về thời điểm phát hành phiên bản hộ chiếu điện tử này vẫn được giữ kín, nhưng về mặt kỹ thuật thì loại hộ chiếu thông minh hoàn toàn có thể đưa vào ứng dụng trong một ngày gần đây.
Vị trí của chip trên hộ chiếu điện tử. (Ảnh: ittefaq.com) |
Cuối năm 2005, Đức là nước Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên đưa vào sử dụng chiếu điện tử. Phiên bản đầu tiên có hình dạng giống như các loại hộ chiếu hiện hành nhưng được gắn thêm một con chíp điện tử mỏng ở bìa sau, trong đó có các dữ liệu như họ tên, ngày sinh, số hộ chiếu…Con chíp trong hộ chiếu là chíp nhận dạng tần số radio, có lưu một ảnh kỹ thuật số của người mang hộ chiếu, và còn có thể chứa thêm dấu vân tay của người này.
Khi hành khách trình hộ chiếu để kiểm tra ở sân bay, một thiết bị đặc biệt sẽ quét qua khuôn mặt họ trong khi hải quan đưa cuốn hộ chiếu qua một thiết bị kiểm tra khác để so sánh độ trùng khớp của các thông tin.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng hộ chiếu điện tử sẽ tăng tới mức cao nhất khả năng an toàn do khó làm giả hoặc sửa chữa thông tin trong đó, song những người phản đối cho rằng hacker có thể lợi dụng, sao chép các thông tin cá nhân được quét trên máy.
Trước mối lo ngại trên, có chuyên gia cho biết mỗi hộ chiếu điện tử đều có chứa những yếu tố bảo đảm an ninh, như ở bìa trước và gáy của cuốn hộ chiếu có gắn những vật liệu kim loại để ngăn chặn khả năng ”đọc trộm” các thông tin trên con chíp. Ngoài ra, để ”đọc” được con chíp trên hộ chiếu này cũng cần một mã số đặc biệt, và trong các thiết bị đọc đều có chương trình phát hiện nhanh việc sao chép thông tin.
Tất cả các nước còn lại trong EU và nhiều nước như Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Nga và Thụy Sĩ cũng đang chuẩn bị đưa loại hộ chiếu tương tự vào lưu hành.
Theo Vũ Anh Tú (theo Engadget, VTC News)