Một nhóm nhà khoa học Singapore vừa phát hiện gene quy định mùi sầu riêng. Đây là lần đầu tiên mùi vị đặc trưng của loại trái cây này được lý giải dưới góc độ di truyền học.
Nhiều người ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, yêu thích hương vị sầu riêng – mệnh danh “vua trái cây” vùng nhiệt đới, nhưng cũng có người không ăn được vì mùi nó quá nồng.
Nhóm nghiên cứu gồm 5 người từ Viện Ung thư quốc gia Singapore (NCCS) và Trường y Duke – NUS, đã cất công tìm hiểu mùi sầu riêng từ đầu năm 2015 và mới đây đã công bố kết quả trên tạp chí Nature Genetics.
Theo đó, nhóm sử dụng một kỹ thuật phân tích gene hiện đại để nghiên cứu giống sầu riêng Musang King và phát hiện bộ gene của nó bao gồm 46.000 gene, gần gấp đôi của con người.
Các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu sầu riêng – (Ảnh: The Straits Times).
Trong số này, họ phát hiện một loại gene có tên methionine gamma lyases (MGL) có khả năng điều tiết hợp chất mùi đặc trưng của sầu riêng – được gọi tắt là VSC xuất hiện rất nhiều ở phần thịt mà không phải ở lá, ở cây, hay ở rễ.
Đồng thời, họ cũng nhận thấy gene này ở sầu riêng Musang King hoạt động mạnh hơn so với Monthong – giống sầu riêng nhẹ mùi hơn được trồng nhiều ở Thái Lan. Ngoài ra, MGL chỉ hoạt động mạnh ở những trái chín.
Từ kết quả trên, nhóm cho biết có thể “tắt” gene này để sầu riêng có mùi nhẹ hơn.
Ngoài ra, phương pháp xác định gene trong nghiên cứu này có thể dùng để điều chỉnh gene giúp cây trồng chống lại bệnh tật, chịu hạn và để điều chỉnh một mùi vị nào đó.
“Ví dụ chúng ta có thể nghiên cứu các gene ảnh hưởng đến lượng đường trong sầu riêng, từ đó tạo ra giống sầu riêng dành cho người bệnh tiểu đường”, giáo sư Bin Tean Teh thuộc nhóm nghiên cứu nói.
Đồng thời ông cũng hy vọng có thể góp phần giữ gìn đa dạng sinh học trong khu vực, bởi một vài loại sầu riêng không được quan tâm do ít có giá trị thương mại.
Theo Tuổi Trẻ