Các nhà nghiên cứu tại MIT đang phát triển phương pháp giúp người đọc sách có thể cảm nhận được câu chuyện bên trong quyển sách bằng những cảm xúc thật sự thông qua mô hình mang tên “Sensory Fiction”.
Nếu như trước đây chỉ có phim ảnh mới được tích hợp các hiệu ứng như 3D, sương mù, mùi vị,… cho người xem được cảm nhận những cảm giác thực nhất thì giờ đây những trải nghiệm tương tự cũng có thể khi đang đọc sách.
Ý tưởng trên được đăng tải lần đầu trên trang Designboom. Người ta xây dựng mô hình một chiếc áo khoác chứa các cảm biến và thiết bị truyền động nhằm tạo ra các rung động hoặc mô phỏng tăng nhịp tim phù hợp với diễn biến câu chuyện trong quyển sách. Ngoài ra, chiếc áo khoác còn có thể thay đổi nhiệt độ hoặc tăng giảm áp lực lên cơ thể người mặc để diễn tả các hành động hoặc môi trường.
Bộ áo khoác được đi kèm với một quyển sách có gắn đèn LED để tạo nên ánh sáng môi trường xung quanh. Không phải cuốn sách thông thường nào cũng có thể được áp dụng phương pháp đọc mới. Hiện tại, quyển sách đầu tiên đang được thử nghiệm là một truyện khoa học viễn tưởng “The Girl Who Was Plugged In” mới có thể cảm nhận được diễn biến bên trong bằng các giác quan.
Hiện tại, đây chỉ là mô hình thử nghiệm đầu tiên của phương pháp đọc sách mới. Các nhà khoa học vẫn chưa tiết lộ bước tiếp theo trong quá trình phát triển công nghệ trên. Tuy nhiên, nghiên cứu có thể sẽ thay đổi được thói quen đọc sách của con người trong tương lai gần?
Theo Tinh Tế