Siêu chiến binh

Siêu chiến binh

Mỹ đang triển khai những dự án biến đổi gien với mục tiêu cuối cùng là tạo ra các siêu chiến binh không cần ăn, ngủ, mau lành vết thương và thậm chí mọc lại chi đã mất.

Từ nhân vật huyền thoại Beowulf đến đại úy Mỹ (trong phim Captain America: The First Avenger), ý tưởng về các siêu chiến binh luôn tồn tại trong trí tưởng tượng của con người từ thời xa xưa. Do vậy, không ngạc nhiên khi trong thời buổi khoa học hiện đại như ngày nay, tham vọng về các siêu chiến binh luôn là mục tiêu theo đuổi hàng đầu của những tổ chức như DARPA (Cơ quan Nghiên cứu các dự án quân sự hiện đại). Đây là nhánh chính thức nghiên cứu công nghệ tiên tiến cho Bộ Quốc phòng Mỹ, được thành lập vào năm 1958 sau khi cả thế giới, đặc biệt là Washington, chấn động bởi sự kiện Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik, khởi động cuộc chạy đua gay cấn giữa 2 cường quốc không gian sau này.

Siêu chiến binh
Mỹ đang mơ đến các thế hệ siêu chiến binh như đại
úy Mỹ trong phim Captain America: The First Avenger

“Đối với người ngoài, đó có thể là một mơ ước quá xa vời, nhưng nó có tiềm năng và được hậu thuẫn bởi cả núi tiền”, tờ Daily Express dẫn lời tiểu thuyết gia Simon Conway, người đã được phép tiếp cận các công nghệ đang nghiên cứu tại DARPA. Với nguồn quỹ dồi dào được rót thêm hơn 2 tỉ USD/năm, DARPA đang triển khai dự án về bộ khung người máy cho phép binh sĩ chạy nhanh hơn và nâng được cái vật nặng quá sức người thường. Tuy nhiên, nghiên cứu đáng chú ý nhất của tổ chức này chính là kỹ thuật biến đổi hay thao túng gene. Theo diễn giải của nhà văn Conway, nếu có thể chuyển đổi chất béo thành năng lượng, những người lính đã được biến đổi gien không cần phải ăn uống thường xuyên, sẵn sàng được điều động vào những khu vực xa xôi hẻo lánh với rất ít lương khô mang theo. “Nó giống như là sự cải thiện hiệu quả về tái tạo năng lượng trong cơ thể. Binh sĩ có thể chạy với tốc độ như những nhà vô địch thế vận hội, mang vác vật nặng và không cần ăn ngủ trong một khoảng thời gian ấn tượng”, Conway nói.

DARPA cũng đang nghiên cứu dự án kích thích tế bào tự mọc chân, tay mới cho đối tượng, những người bị đoạn chi do bom đạn trên chiến trường. “Hiện đã có một loại thuốc cho phép con người “khóa” hành động ngủ”, theo Giáo sư Joel Garreau của Đại học bang Arizona. Ông cho hay nó đã được thử nghiệm ở các phi công trực thăng thuộc quân đội Mỹ. Kết quả cho thấy sau 40 giờ, những người uống thuốc có khả năng tập trung tốt hơn so với trường hợp được ngủ nghê đàng hoàng. Giáo sư Garreau cho hay phương pháp này còn hiệu quả hơn amphetamine, một dạng ma túy gây ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định và dẫn đến những sự cố bắn nhầm phe mình.

Chuyên gia của đại học Mỹ cũng xác nhận rằng DARPA đang thử nghiệm khả năng biến chất béo (mỡ) thành năng lượng. “Vấn đề ở đây là một thành viên của Lực lượng đặc biệt đốt đến 12.000 calorie/ngày (người thường chỉ cần 2.000 calorie). Bạn không thể ăn nhiều đến như vậy. Tìm ra cách chuyển hóa hiệu quả, bạn có thể hô biến ngành ăn kiêng trị giá gần 65 tỉ USD trong một cái nháy mắt”, Garreau nói. Bên cạnh đó, dự án tái tạo chi cũng đang được đầu tư nhiều công sức. “Tài liệu từng ghi nhận những trường hợp trẻ con mất móng tay và nó cứ mọc lại. Bí quyết ở đây là làm sao xác định được gene kích hoạt khả năng đó. Và đây là lĩnh vực nhận được nhiều tài trợ để nghiên cứu”, Giáo sư Garreau kết luận.

 

Theo Thanh Niên