NASA vừa công bố một video mô phỏng hoạt động diễn ra xung quanh máy bay drone, dựa trên kết quả từ siêu máy tính.
Nếu bạn đã từng bị cánh quạt của máy bay không người lái (Drone) thổi xuống đầu từ bên trên (cơ chế khá tương đồng với máy bay trực thăng), bạn sẽ biết để di chuyển trên không bốn cánh quạt phải xoay tròn với lực mạnh cỡ nào. Nhằm cải tiến thiết kế và cơ chế bay của các máy bay drone trong tương lai, NASA đã sử dụng siêu máy tính để mô phỏng cách thức luồng không khí chuyển động, và hình ảnh thu được phức tạp đến không ngờ.
Drone DJI Phantom 3 của NASA. (Ảnh chụp từ clip).
Kết quả mô phỏng, dựa trên mô hình 3D của một drone bốn cánh (quadcopter) gọi là DJI Phantom 3, cho thấy không chỉ cách thức luồng không khí bị đẩy ra từ cánh quạt, mà còn cho thấy tương tác giữa luồng không khí với cấu trúc hình chữ X của phần thân drone. Nghiên cứu này, được tiến hành tại Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA, cũng xác nhận rằng việc tăng gấp đôi số lượng cánh quạt cũng sẽ tăng gần như gấp đôi sức đẩy của drone, cho phép nó nâng nhấc các vật thể nặng hơn và khiến phương tiện này trở nên hữu ích khi áp dụng vào thực tiễn—chứ không chỉ đơn thuần để quay video từ trên không.
Ngày nay, drone đang được thương mại hóa và sử dụng rộng rãi. Với ưu điểm dễ sản xuất, gọn nhẹ, có tính cơ động cao, chúng được dùng để quay phim, vận chuyển hàng hóa và cả cho mục đích quân sự. Hãng bán lẻ trực tuyến lớn ở Mỹ, Amazon, hiện đã triển khai dự án “Amazon Prime Air” nhằm sử dụng Drone để chuyên chở hàng hóa tới tận tay khách hàng. Drone cũng đã được quân đội Mỹ sử dụng cho mục đích trinh sát, do thám và tiêu diệt mục tiêu.
Theo daikynguyenvn