“Siêu núi lửa” hình thành nhanh hơn ta tưởng

Những núi lửa lớn nhất trên Trái đất, hay còn gọi là “siêu núi lửa”, chỉ mất vài trăm năm để hình thành và phun trào chứ không phải hàng trăm nghìn năm như các nhà khoa học trước nay vẫn nghĩ.

>>>Iceland: Năng lượng thiên nhiên từ núi lửa

Một vụ “siêu phun trào” có thể gây ảnh hưởng tới khí hậu toàn cầu – (Ảnh: Daily Mail)

Thông tin trên được đăng tải trên tạp chí khoa học Public Library of Science ONE, dẫn kết quả nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ.

Nghiên cứu dựa trên việc phân tích một đợt “siêu phun trào” núi lửa xảy ra ở phía đông California 760.000 năm trước khiến một nửa Bắc Mỹ chìm trong tro núi lửa. Theo đó, bể dung nham núi lửa này đã bùng bổ chỉ trong vài trăm năm hình thành.

Các nhà khoa học cho biết những vụ “siêu phun trào” như vậy có thể sinh ra hàng ngàn kilômet khối đất, đá… tức nhiều gấp vài trăm lần so với những trận núi lửa được chứng kiến trong lịch sử nhân loại.

“Siêu núi lửa” cũng có thể tạo ra lượng tro đủ để ảnh hưởng tới khí hậu toàn cầu trong nhiều năm. Các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng một vụ phun trào tương tự ở Lake Toba, Indonesia khoảng 70.000 năm trước đã gây ảnh hưởng lâu dài, gần như xóa sổ hoàn toàn con người.

Vào thời điểm hiện tại, các nhà địa chất tin rằng không có bể dung nham núi lửa khổng lồ nào trên Trái đất có nguy cơ phun trào, tuy nhiên họ nói nghiên cứu này sẽ mở ra các cuộc nghiên cứu mới trong tương lai nhằm giúp con người dự báo được các trận “siêu núi lửa”.

 

Theo Tuổi Trẻ