Singapore quản lý và sử dụng nước hiệu quả cao

Thiếu nước đang là vấn đề nóng toàn cầu, và cũng như lương thực hay dầu mỏ, nguồn cung cấp nước ngày càng được coi là một vấn đề an ninh quốc gia. Singapore từng rất đau đầu trước vấn nạn không đủ nước dùng cho sinh hoạt lẫn sản xuất, nhưng nay đảo quốc sư tử đã tìm được lối ra…

“Mặc dù nằm trên đường xích đạo và có mưa nhiều nhưng chúng tôi không có chỗ trữ nước tự nhiên cũng như không có mạch nước ngầm”, Khoo Teng Chye, giám đốc Ủy ban Dịch vụ công cộng Singapore, cho biết. Nhiều năm qua, Singapore buộc phải chọn giải pháp bất khả kháng là nhập khẩu nước từ nước láng giềng Malaysia. Giải quyết thực trạng thiếu nước càng trở nên cấp bách sau khi phía Malaysia đề nghị tăng giá nước lên gấp 15-20 lần.

Trước tình thế khó khăn đó, Singapore đặt mục tiêu bằng mọi cách phải tìm kiếm giải pháp thay thế để mỗi ngày có thể cung cấp đủ 1,36 tỉ lít nước sạch cho 4,4 triệu dân. Đầu tiên là xây dựng một loạt hồ chứa lớn để “hứng nước mưa càng nhiều càng tốt”, nâng diện tích mặt đất dùng để trữ nước từ 50% lên 65%. Bên cạnh đó, các nhà máy khử muối biến nước biển thành nước sinh hoạt cũng gia tăng công suất, đáp ứng 10% nhu cầu của người dân.

Nước uống đóng chai NEWater.

Tuy nhiên, bước đột phá thật sự bắt nguồn từ NEWater, công nghệ tái chế “nước đã qua sử dụng”. “Chúng tôi dùng thuật ngữ “nước đã qua sử dụng” thay cho “nước thải” để người dân hiểu rằng nước là một nguồn tài nguyên”, ông Khoo giải thích. Các nhà máy sử dụng hệ thống vi lọc hoặc siêu lọc, màng thẩm thấu ngược và công nghệ tia cực tím để sản xuất nước với độ sạch ngang ngửa với nước cất.

“Singapore đã thành công trong việc tìm giải pháp cân bằng giữa số lượng và chất lượng nước, giữa nguồn cung và quản lý nhu cầu, và giữa lợi ích chiến lược quốc gia với hiệu quả kinh tế”, theo đánh giá của Tạp chí quốc tế về phát triển các nguồn nước.

Cách đây 5 năm, chi phí sản xuất một mét khối nước ngọt từ nước biển tốn 3 đô-la Singapore (2,2 USD). Với công nghệ NEWater, chi phí giảm còn 0,3 đô-la. Dự đoán trong 3-4 năm nữa, 5 nhà máy NEWater sẽ đáp ứng 30% nhu cầu nước của đảo quốc sư tử.

Theo ông Khoo, hiện nay mỗi giọt nước ở Singapore được sử dụng 2 lần, tương đương hiệu suất 50% trong khi mục tiêu đặt ra là 70%. Để đạt mục tiêu này, song song với việc ứng dụng công nghệ, Singapore đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật với kế hoạch xây dựng các nhà máy qui mô lớn hơn để giảm chi phí sản xuất. Dự kiến, từ nay đến năm 2013, nước này sẽ đầu tư thêm 3,5 tỉ USD vào lĩnh vực sản xuất nước.

Nhờ thành công của chương trình NEWater, cuối tháng 4 vừa qua, Singapore được chọn trao giải “Đóng góp môi trường của năm” trong khuôn khổ giải thưởng Nước Toàn cầu 2008. “Singapore đi đầu thế giới trong việc tái sử dụng nước mà các quốc gia khác chắc chắn sẽ phải học hỏi”, đó là nhận xét của Christopher Gasson, tổng biên tập Tạp chí Tình báo nước toàn cầu, thành viên ban giám khảo. Ngoài ra, tháng 6 tới Singapore sẽ tổ chức Tuần lễ Nước quốc tế qui tụ các chuyên gia về nước cũng như các nhà hoạch định chính sách nhằm tìm kiếm giải pháp quản lý hiệu quả nguồn nước toàn cầu.

 

Theo THANH TRÚC (BBC, Báo Cần Thơ)