Các nhà khoa học mới đây vừa khám phá ra một số loài giun biển đặc biệt. Chúng có thể tiết ra những vật thể có cấu trúc giống bong bóng với màu sắc rực rỡ vào ban đêm, giúp đánh lạc hướng kẻ thù ăn thịt.
Nhờ vào việc sử dụng rôbốt hoạt động dưới đáy biển, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra 7 loài giun phân đốt mới mà trước kia họ chưa từng thấy. 5 trong số này đều có vẻ thải ra những vật thể có màu sắc sặc sỡ để đánh lừa loài cá săn mồi.
Trưởng nhóm nghiên cứu Karen Osborn của viện nghiên cứu đại dương học Scripps tại La Jolla, Calif cho biết: “Thật thú vị khi nhìn thấy loài sinh vật này và biết rằng chúng khác với những loài mà chúng tôi từng thấy trước kia rất nhiều. Có lẽ những vật thể lạ được tiết ra đó được sử dụng như cái bẫy để thoát khỏi kẻ săn mồi.”
Theo Osborn, việc sử dụng thủ thuật cắt bỏ một phần cơ thể để thoát khỏi kẻ thù là rất hiếm nhưng không phải là chưa được biết đến bao giờ. Một số loài mực ống và sao biển cũng đã từng được nhắc đến vì chúng sử dụng thủ thuật tương tự để không bị kẻ săn mồi ăn thịt.
Các nhà khoa học mới đây vừa khám phá ra một số loài giun biển đặc biệt. Chúng có khả năng tiết ra những vật thể có cấu trúc giống bong bóng với màu sắc rực rỡ vào ban đêm giúp đánh lạc hướng kẻ thù ăn thịt, trong số đó một vài “bong bóng” được nhìn thấy ở gần búi tua cảm ở trên đầu của chúng. (Ảnh: © 2001 S.H.D. Haddock) |
Trong trường hợp này, những quả bom bong bóng có vẻ như được tạo nên từ những phần mang được biến đổi và chúng chỉ phát sáng để thu hút đối phương khi được tách ra khỏi cơ thể của loài giun.
Các nhà khoa học đã đặt cho loài vật mới này cái tên “Swimna bombiviridis”( “swimna có nghĩa là những vận động viên bơi lội cừ khôi ,còn “bombiviridis” được hiểu là ”chiếc máy bay thả bom xanh”). Họ đã thông báo phát hiện của mình vào tháng 8 trên ấn phẩm số 20 của tập san “Science”.
Những vận động viên bơi lội này sử dụng những chiếc lông cứng như răng lược này như một mái chèo đẩy chúng đi trong nước. Hầu hết các loài trong nhóm đều sống ở độ sâu khoảng 3.000m mặc dù cũng có một vài loài cư trú cách mặt nước chỉ 1.900m.
Ở độ sâu này,đại dương hoàn toàn lạnh lẽo và tối tăm,ngoại trừ thứ ánh sáng rực rỡ đặc biệt phát ra từ một loài sinh vật sống. Khả năng phát sáng trong bóng tối được gọi là”bioluminescence”,và với các loài động vật sống ở khu vực biển này thì khả năng này khá phổ biến. Hiện tượng phát quang sinh học đôi khi còn được sử dụng để giao tiếp giữa các cá nhân của 1 loài hay để thu hút sự chú ý.
Cơ thể trong suốt của loài giun Swima bombiviridis cho phép kiểm tra giải phẫu bên trong mà không cần đến mổ xẻ. Chỗ mũi tên màu tím là những chất phát quang được phát ra từ cơ thể loài sinh vật. (Ảnh: © 2009 Karen J. Osborn) |
Osborn cùng với đồng nghiệp đã phát hiện thấy loài “Swimna bombiviridis” ở vùng biển quanh quần đảo Philippines và vùng biển gần khu vực đảo phía Tây của nước Mỹ và Mêxico.
Khi được Livescience phỏng vấn, Osborn cho biết: “Ở những nơi mà chúng tôi quan sát, chúng có rất nhiều điểm chung. Chúng tôi thực sự tin rằng nếu có tàu lặn để khám phá nhiều khu vực khác chúng tôi sẽ có thể tìm được nhiều hơn đồng loài của loài giun này.”
Thực tế có rất nhiều loài sinh vật ở dưới đại dương chưa được khám phá và nhóm nghiên cứu của Osborn hầu như đều phát hiện thêm được vài loài sau mỗi chuyến lặn xuống đáy biển.
Osborn: “Thật là tuyệt vời khi được quan sát chúng nhưng chúng tôi cũng thực sự thấy mông lung vì xấp xỉ một nửa trong số đó là chưa từng được mô tả nên chúng tôi phải chọn lựa từng loại nhất định để quan sát và quan tâm đặc biệt.”
Các nhà khoa học đang rất nóng lòng muốn tìm hiểu về các loài sinh vật mới, đặc biệt là những loài sinh vật có nguy cơ bị đe doạ bởi khí hậu và điều kiện môi trường liên tục thay đổi .
Osborn chia sẻ: “Sự khác nhau của toàn bộ nhóm sinh vật mới này là ví dụ điển hình của những gì mà chúng ta đã bỏ sót khi nghiên cứu về biển sâu. Khi đa dạng sinh học đang bị đe doạ, sẽ là một đáng tiếc lớn nếu chúng ta không thể khám phá ra những gì từng tồn tại trước khi chúng biến mất.”
Theo G2V Star (LiveScience)