Một sinh viên cơ khí tại Anh thả camera lên tầng bình lưu để chụp ảnh trái đất dù không có kiến thức về vật lý thiên văn.
Ước mơ cháy bỏng của Adam Cudworth, sinh viên 19 tuổi đang học tại Đại học Nottingham tại Anh, là tự chụp những bức ảnh về địa cầu. Để thực hiện ước mơ đó, anh mua một máy ảnh du lịch từ trang thương mại điện tử eBay với giá 40 bảng. Cudworth dành 40 giờ để đưa máy ảnh, thiết bị định vị toàn cầu, một máy quay nhỏ, hai cảm biến nhiệt, bộ phát tín hiệu radio, hai tấm pin mặt trời và chip vi xử lý vào một chiếc hộp. Sau đó anh đặt hộp lên một khí cầu và thả lên trời vào ngày 5/9, Telegraph đưa tin.
Sau khoảng 2,5 giờ, khí cầu của Cudworth bay tới tầng bình lưu của trái đất. Máy ảnh và máy quay của anh ghi lại rất nhiều cảnh tượng vô cùng ngoạn mục về hành tinh xanh.
Thiết bị định vị toàn cầu giúp Cudworth theo dõi hành trình của khí cầu. Khi nó rơi xuống đất với vận tốc lên tới 240km/h, bộ phát sóng radio giúp anh xác định vị trí của nó để thu hồi.
Chàng sinh viên tới từ thành phố Ombersley, Anh nói rằng anh chỉ muốn tự tạo ra một thách thức cho bản thân.
“Đây chỉ là một thú tiêu khiển. Tôi từng thấy một người thả camera lên trời để chụp ảnh trái đất và tôi chỉ muốn bắt chước hành động đó. Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi thấy kết quả vượt xa mong đợi của tôi”, anh nói.
Đang học ngành cơ khí, song Cudworth thừa nhận anh không có kiến thức về vật lý thiên văn.
“Nhiều người nghĩ những bức ảnh trái đất của tôi được tạo ra bởi tổ hợp thiết bị có trị giá hàng triệu bảng, song trên thực tế tôi chỉ mất 200 bảng để thực hiện thú vui”, anh nói.
Theo VNE