SkinTrack – Biến cánh tay thành bề mặt cảm ứng cho đồng hồ thông minh

0
136

Màn hình cảm ứng nhỏ khiến chúng ta khó có thể vừa thao tác vừa xem nội dung trên những chiếc đồng hồ thông minh.

Vì hạn chế này, các nhà nghiên cứu tại bộ phận phát triển các giải pháp tương tác giữa người và máy tại đại học Carnegie Mellon đã nghĩ ra cách biến cánh tay của chúng ta thành một phần của giao diện người dùng với dự án SkinTrack.

Trong nhiều năm qua, đại học Carnegie Mellon đã đề xuất nhiều ý tưởng mới lạ để tương tác với các thiết bị màn hình nhỏ như đồng hồ thông minh chẳng hạn như nghiêng hoặc lắc vòng bezel để điều đồng hồ như núm xoay, tích hợp máy chiếu vào đồng hồng để phát ra những nút bấm ảo trên da (Skin Buttons) hay mới nhất là công nghệ cảm ứng trên da (SkinTrack).

Phương pháp của đại học Carnegie Mellon hoạt động rất khác biệt. Thay vì sử dụng camera, các nhà nghiên cứu đã phát triển một chiếc vòng có thể phát ra những tín hiệu điện xen kẽ, tần số cao vào ngón tay. Khi ngón tay chạm vào da hoặc đặt lơ lửng trên cánh tay, tín hiệu sẽ được lan ra trên da và được tiếp nhận bởi một chiếc vòng đeo tay tích hợp các điện cực. Bằng việc đo đạt sự thay đổi pha của tín hiệu (so sánh thời gian tín hiệu giao động được truyền đến 2 cặp điện cực), SkinTrack có thể xác định vị trí của ngón tay với độ chính xác rất cao.

Theo nhóm nghiên cứu độ chính xác có thể đạt được đến 99% ngay cả khi chúng ta mặc áo dài tay.

Trong video, nhóm nghiên cứu đã trình diễn các tính năng điều khiển và ứng dụng của SkinTrack. Chúng ta có thể thực hiện các thao tác vuốt để chuyển bài hát, chọn bài hát, kéo ná bắn chim Angry Birds hay tạo các shortcut ứng dụng … với độ chính xác rất cao. Theo nhóm nghiên cứu độ chính xác có thể đạt được đến 99% ngay cả khi chúng ta mặc áo dài tay. Mặc dù vậy, hệ thống này vẫn chưa hoàn hảo bởi nó không tích hợp bộ phận trình chiếu, do đó chúng ta không thể biết được đang chạm vào cái gì trên giao diện đồng hồ.

Gierad Laput – đồng tác giả nghiên cứu cho biết SkinTrack là một sản phẩm dẫn xuất từ nghiên cứu trước đây của anh nhằm khai thác những khu vực khác, chẳng hạn như cơ thể người để cải thiện trải nghiệm sử dụng đối với các thiết bị điện tử. Đối với Laput, cơ thể chỉ đơn thuần là một nền tảng nhập liệu và cảm nhận. Tầm nhìn của Laput xoay quanh 2 ý tưởng: sử dụng cánh tay như một thiết bị nhập liệu và sử dụng cơ thể để tăng cường các hoạt động khác.

Cho đến hiện tại thì SkinTrack vẫn chưa sẵn sàng để xuất hiện dưới dạng thiết bị tiêu dùng. Hệ thống này cần phải được cân chỉnh đối với mỗi người dùng bởi dòng điện truyền đi trên cơ thể mỗi người không giống nhau. Laput cho biết hệ thống sẽ hoạt động tốt hơn nếu như có thể trình chiếu giao diện đồ họa và mang lại cho người dùng sự phản hồi về thị giác nhưng sẽ mất thêm vào năm nữa. Thêm vào đó, nhóm nghiên cứu cũng đang xem xét về khả năng tín hiệu điện gây ảnh hưởng đến những thứ như máy điều hòa nhịp tim.

 

Theo Tinh Tế