“Số hóa não bộ” như trong Ma Trận: Liệu viễn cảnh trên có xảy ra với nhân loại trong tương lai?

Công nghệ này sẽ là một bước tiến đột phá cách mạng của giới khoa học, hay cũng kéo theo nhiều hệ lụy mà chúng ta chưa thể lường trước?

Từ xưa đến nay, con người vẫn luôn hằng ao ước có thể tự mình vượt qua những giới hạn của tạo hóa đặt ra cho bản thân, từ khả năng chịu đựng đau đớn, gian khổ, bệnh tật hay thậm chí kháng cự lại cả cái chết và số phận của riêng mình. Thật may mắn vì một thành tựu công nghệ vượt bậc của thời đại ngày nay đã góp phần giúp cho nhân loại tiến thêm một bước gần hơn nữa với giấc mơ đó. Về cơ bản, khoa học sẽ dần vạch ra một lộ trình tiến hóa cho loài người, vượt lên trên cả những thể thức vật lý cố hữu tự nhiên, mang trên mình những đặc tính siêu việt hơn bao giờ hết.

Có lẽ ý tưởng đáng chú ý nhất chính là quá trình chuyển hóa ý thức của một người thành dạng dữ liệu số và “tải lên” một hệ thống máy tính tiên tiến khổng lồ. Điều này đồng nghĩa với việc thế giới mà chúng ta biết đến sẽ được lấp đầy bởi những trải nghiệm ảo và khả năng sống trường tồn với thời gian (miễn là không xảy ra trường hợp ai đó quên lưu trữ bản sao dữ liệu dự phòng hoặc vô tình… tắt hệ thống đó đi).

Dù vậy, dự án trên còn phải đương đầu với nhiều thách thức và trở ngại trên con đường dẫn đến thành công. Ngoài việc điều kiện để con người đạt đến thành tựu đó trong tương lai gần dường như là không thể, thì vẫn tồn tại nhiều yếu tố cơ bản khác gây nên nhiều vấn đề cản trở sự xúc tiến của quá trình nghiên cứu.

Xét về công nghệ số hóa não bộ, các fan cứng của những tác phẩm khoa học giả tưởng chắc hẳn không còn xa lạ gì khi nghe đến nó. Giám đốc bộ phận thiết kê – kỹ thuật tại Google, Ray Kurzweil, là một trong những tên tuổi tiên phong, đi đầu trong phong trào phát triển ý tưởng trên trong thời gian càng ngắn càng tốt, mà theo dự kiến là có thể đạt được vào năm 2045.

Gần đây nhất, chuyên gia kinh tế học Robin Hanson cũng đã đưa ra một bài phân tích chi tiết về những hậu quả có thể xảy ra cho xã hội nếu viễn cảnh trên trở thành sự thật. Ông cũng nhắc đến cảnh tượng mà thế giới chỉ được vận hành bởi những bản sao vô hồn của trí não con người, chạy trên một nền tảng giả lập thực tế ảo với cơ sở hệ thống máy chủ có kích cỡ to bằng cả một thành phố.

Dù vậy, đã từng có những khái niệm, giả thuyết được đặt ra về việc chúng ta thực sự đã và đang sống trong một thế giới với bối cảnh tương tự như trong series phim “Ma trận“. Elon Musk cũng phát biểu, gợi lại chủ đề này khi cho rằng tỉ lệ mà chúng ta KHÔNG đang sống trong một môi trường mô phỏng của máy tính chỉ là… 1 phần tỉ. Tất nhiên, đây chỉ là quan điểm của ông ủng hộ cho ý niệm đã tồn tại và được đem ra bàn luận bởi giới triết gia hàng trăm năm nay, rằng thực tế hiện tại chỉ là một ảo giác có tính chất tương đối mà thôi.

Bối cảnh phim “Ma trận”

Tuy vậy, vẫn còn đó những vấn đề thực sự đáng cân nhắc liên quan đến công nghệ số hóa thần kinh. Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu được rằng bộ não con người được cấu tạo bởi hàng nghìn tỉ kết nối giữa 86 tỉ dây dẫn thần kinh. Để có thể tạo ra một bản sao hoàn hảo cho trí não, hệ thống máy tính phải giả lập lại hoàn toàn từng kế nối một – điều mà khả năng và công nghệ hiện tại của chúng ta chưa cho phép. Với tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật máy tính như hiện nay, con người có thể chạm tay vào thành tựu đó trong vòng vài thập kỷ nữa, nhưng chỉ tính đến những phần não bộ đã ngừng hoạt động và được tách biệt riêng.

Vượt ngưỡng phân tử

Mạng lưới mô phỏng chính xác kết nối trong não bộ vẫn chưa có cơ hội được hiện thực hóa, do đó chúng ta khó mà hiểu được ngọn nguồn cách thức và cơ chế vận hành của hệ thống này. Cụ thể, cần phải nắm rõ được số lượng và phương thức mà các neuron thần kinh gắn kết với nhau ở mỗi điểm giao, tất nhiên là ở quy mô phân tử. Tuy nhiên, nhân loại thậm chí còn chưa nhận thức được hết những khái niệm tường tận liên quan, chưa kể đến ngưỡng bao nhiêu là đủ để cung cấp, duy trì chức năng cho não. Dù sao thì kể cả câu trả lời là đơn giản hay phức tạp, công nghệ máy tính hiện nay là chưa đủ để tải được toàn bộ “gánh nặng” đó.

Qua đó, nhận định trên dẫn đến một ngưỡng cửa nhận thức sâu xa mới. Việc chúng ta có thể giả lập một vài khía cạnh vận hành của bộ não không có nghĩa là hệ thần kinh hay ý thức con người có khả năng được số hóa và tải lên một hệ thống máy tính. Chưa có một thành tựu máy móc nào cho phép đạt đến kết quả là một bộ não mô phỏng chi tiết đến mức phân tử. Vì vậy, viễn cảnh đó chỉ trở thành hiện thực khi và chỉ khi chúng ta thành công trong việc đúc kết nên những cơ chế xử lý dữ liệu và logic, đương nhiên là thuộc ngưỡng phân tử.

Ngoài ra, để cung cấp những nhận thức rõ nhất về cách hoạt động của một nền tảng máy móc lai con người, chúng ta cũng không cần phải để ý quá tường tận đến những dòng xoay chuyển và điện áp của dòng điện cũng như electron. Thiết kế công tắc bán dẫn cùng loại hình số hóa cấu tạo bởi hai chữ số 0-1 đã là đủ để cài đặt và kiểm soát mạng lưới. Nhưng một bộ não không thể được thiết kế hay tạo ra, mà nó tự phát triển và tiến hóa theo thời gian, do đó không có lý do gì để hi vọng vào việc ứng dụng logic số hóa vào cách vận hành của trí não.

Ý tưởng điên rồ

Tất nhiên là không ai đánh thuế giấc mơ cả, kể cả khi số hóa não bộ là một khía cạnh viển vông, không có hồi kết. Ai trong cuộc đời cũng sẽ đến lúc quý trọng sự sống và tiếc nuối, sợ hãi thời điểm mình phải từ giã cõi đời. Vì vậy không có gì sai khi chúng ta trải qua những cung bậc cảm xúc tự nhiên cố hữu như vậy.

Nhưng xét về góc độ áp dụng công nghệ số hóa ý thức đã được đề cập phía trên, đây quả thực là một minh chứng cho việc thay đổi hoàn toàn cách nghĩ và ý niệm của nhân loại về công nghệ nói chung. Loại hình “biến đổi con người” này lấy công nghệ làm phương tiện để ban phát, hiện thực hóa những mong muốn, điều ước của nhân loại – điều vốn đã và đang luôn luôn là vai trò, ý nghĩa của khoa học.

Tựu chung lại, não bộ áp dụng nền tảng số hóa có thể được coi là một giả thuyết, tiền đề có cơ sở cho những viễn cảnh có thể xảy ra. Nhưng có lẽ đây không phải là xuất phát điểm tốt nhất dành cho tương lai của nhân loại, nhất là khi chúng ta chưa lường trước được hết những khía cạnh sâu xa cùng hệ quả liên quan đến nó.

 

Theo genK.vn