Trong tháng 11 năm 2005, các cán bộ dự án của Chương trình BirdLife Quốc tế tại Căm-pu-chia đã ghi nhận 70 cá thể Quắm cánh xanh (Pseudibis davisoni) tại các vùng đất ngập nước ở Vùng Chim quan trọng Tây Siêm Pang. Đến tháng 12 năm 2005, ít nhất 40 cá thể tiếp tục được ghi nhận tại đây.
Từ năm 2003, Văn phòng BirdLife Căm-pu-chia đã thực hiện hàng loạt các hoạt động bảo tồn dựa vào cộng đồng tại vùng đông bắc Căm-pu-chia. Một khu vực ưu tiên trong vùng cảnh quan phía đông bắc này là Vùng Chim quan trọng Tây Siêm Pang. Khu vực này tiếp giáp với 2 khu bảo vệ; về phía đông là sông Sekong (cũng là một Vùng Chim quan trọng) và một phần nhỏ của (Vùng Chim quan trọng) Vườn Quốc gia Virachey, và về phía tây và phía bắc tiếp giáp (Vùng Chim quan trọng) Khu Bảo vệ Quốc gia Xe Piane của Lào.
Khu vực Tây Siêm Pang, một khảm của các vùng rừng khộp thưa với vùng đất ngập nước theo mùa (trapeang), cùng với vùng rừng bán thường xanh và rừng hỗn giao lá rụng ven sông phân bố dọc theo sông Sekong và rừng bán thường xanh trên các vùng núi thấp gần biên giới với Lào, được cho là một khu vực quan trọng nhất cho việc bảo tồn các loài chim bị đe dọa tại Căm-pu-chia.
Khu vực này là nơi sinh sống của một quần thể có thể độc lập tồn tại duy nhất ở vùng lục địa Đông Nam Á của loài Quắm cánh xanh, loài hiện đang bị đe doạ tuyệt chủng toàn cầu ở mức Tối nguy cấp. Ngoài ra, khu vực này còn là nơi có các quần thể của 3 loài chim bị đe doạ tuyệt chủng toàn cầu ở mức Tối nguy cấp khác là Quắm lớn (Thaumatibis gigantea), Kền kền Ben-gan (Gyps bengalensis) và Kền kền mỏ nhỏ (Gyps tenuirostris).
Điều phối từ văn phòng hiện trường tại thủ phủ tỉnh Siêm Pang, các cán bộ dự án hiện đang xúc tiến các hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao năng lực cho các cộng đồng và chính quyền địa phương để thực hiện các hoạt động bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Trong số các hoạt động của dự án có hoạt động giám sát đa dạng sinh học và giám sát việc con người sử dụng các khu đất ngập nước và các bàu nước đọng (trapaeng – theo tiếng địa phương).
Tháng 11 năm 2005, cán bộ dự án đã ghi nhận đến 70 cá thể Quắm cánh xanh tại một trapaeng ở Vùng Chim quan trọng Tây Siêm Pang. Đến tháng 12, 40 cá thể lại được ghi nhận tại cùng vị trí này. Số đếm của loài Quắm cánh xanh rất cao vào tháng 11 vừa qua cho thấy có mức tăng đáng kể về số lượng Quắm cánh xanh được ghi nhận. Trước đây, các kết quả đếm cao nhất về loài này là 23 cá thể trong tháng 1 năm 2003 và 33 cá thể trong tháng 11 năm 2004. Các số đếm này rất có ý nghĩa do số lượng quần thể toàn cầu của loài Quắm cánh xanh được ước tính chỉ từ 50 đến 250 cá thể trưởng thành.
Quắm cánh xanh là một loài quắm có kích thước lớn (75 – 85 centimét) thường sống gần các hồ, ao, các đầm lầy và các suối nhỏ trong các rừng khộp thưa trên đất thấp, bằng và thường là các vùng ngập nước theo mùa. Loài này còn phân bố ở các trảng cỏ ẩm hoặc khô có cây gỗ rải rác, và gần các con sông lớn có bờ cát và sỏi. Các quần thể của chúng đang bị suy giảm bởi mất sinh cảnh do khai thác gỗ ở các rừng đất thấp và cải tạo tưới tiêu các vùng đất ngập nước để lấy đất canh tác nông nghiệp (hầu hết vùng đồng ngập lũ sông Mê Kông ở nam Lào đã bị cải tạo thành ruộng lúa), chăn thả gia súc, khai thác cỏ và các hoạt động phát triển khác. Tình trạng của loài bị đe dọa do mất sinh cảnh càng trầm trọng hơn bởi bị săn bắt và các nhiễu loạn làm mất các nơi kiếm ăn, trú chân và và làm tổ an toàn của loài. Nhiễu loạn và săn bắt chim có lẽ hiện đang là mối đe dọa lớn nhất đối với Quắm cánh xanh.
Chương trình BirdLife Quốc tế 1 tại Đông Dương
Theo Thiên Nhiên Việt Nam