Ngày tôi mới về nhà chồng- cũng như những chị em khác, hai tiếng “mẹ chồng” khiến ai nấy đều hoang mang lo lắng. Phần vì trên các phương tiện truyền thông như báo mạng, đài phát thanh, tạp chí,…nơi nào cũng đăng đầy rẫy những tin giật gân về thảm cảnh “mẹ chồng- nàng dâu”. Tôi cảm thấy có chút sợ hãi và đôi lúc còn bối rối tự hỏi: “Nếu có tình huống a, b, c…xảy ra thì mình phải xử trí như thế nào? Liệu chồng mình có bênh mẹ mà hùa vào mắng vợ không?,…”
Chẳng phải tự nhiên mà tôi lại đâm ra sợ mẹ chồng đến thế. Số là từ lúc nhỏ, với thể trạng khá ốm yếu, lại được bố mẹ chiều yêu, dành mọi điều kiện để khuyến khích học hành nên hầu như tôi không phải động tay động chân vào việc gì cả. Kết quả dù hết cấp 3, tôi đỗ vào một trường Đại học đúng theo nguyện vọng với số điểm không thấp, ra trường có công việc phù hợp với năng lực và sở thích thì khoản nội trợ của tôi vẫn “dở tệ” như xưa. Trong khi đó, mẹ chồng của tôi lại là một người phụ nữ cực kỳ khéo léo, tài nấu ăn của mẹ tôi đã từng được tận mắt chiêm ngưỡng. Chao ôi! Người đâu mà làm việc nhanh nhẹn, khéo tay và gọn gàng đến thế. Từng bước, từng bước không sai sót một ly, làm đến đâu dọn đến đấy, các món ăn mang đầy màu sắc và hương vị hấp dẫn, chua, cay, ngọt, mặn có đủ. Thế nên tôi đâm sợ, tôi chỉ lo nếu làm không khéo sẽ bị mẹ chồng chê trách, và rồi mâu thuẫn, chiến tranh sẽ xảy ra. Đỉnh điểm, biết đâu tôi lại bị mẹ “lót lá chuối giả về” như các cụ ngày xưa vẫn răn dạy con cháu?
Trong lúc nguy cấp ấy, tôi liền nghĩ ra một kế: Tôi sẽ cố làm ở công sở muộn một chút để tránh giờ nấu cơm, chỉ cần trích lương biếu mẹ, nhờ mẹ lo hộ bữa tối, còn bữa trưa cả hai vợ chồng đều đi làm cả, chỉ có hai cụ ở nhà nên nấu nướng cũng không quá nhiêu khê. Vừa mượn dịp biếu mẹ được chút tiền, mà cũng tránh được việc mất hòa khí gia đình. Tôi nghĩ kế đó sẽ thành công nên hí hửng lắm.
Thế nhưng kế đó của tôi chỉ thực hiện được trong đúng 3 tháng đầu. Chồng tôi là người phát hiện ra thời gian biểu của tôi đã thay đổi một cách “dị thường”. Có lẽ anh cũng đoán được nguyên do nên không trách mà chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở tôi: “Em xem thu xếp thời gian ở công ty thế nào rồi về đỡ mẹ một tay nhé, trước khi cưới thường anh thấy 5 giờ chiều em đã bắt đầu về rồi. Cố gắng đỡ mẹ chút nào hay chút đó em ạ, anh cũng sẽ thu xếp về sớm hơn để giúp em. Chứ hôm vừa rồi về thấy mẹ cặm cụi bóc mấy củ hành tây trong bếp mà anh thương quá. Lưng còng xuống, mà tóc mẹ dạo này bạc nhiều”.
Nghe anh nói vậy, tôi cũng thấy hối hận. Cuối buổi làm ngày hôm sau, trải qua những phút suy nghĩ, đắn đo, tôi quyết định về sớm hơn giúp mẹ. Vừa bước vào đã thấy mẹ đặt nồi cơm để chuản bị cơm chiều cho gia đình. Tôi rón rén bước vào: “Con chào mẹ, hôm nay con được về sớm, con giúp mẹ một tay nhé”. Mẹ thấy tôi về thì cười tươi lắm: “Ừ, con thay đồ đi rồi hai mẹ con cùng làm”. Tôi lên phòng thay đồ mà lòng lo ngay ngáy: “Không biết nếu mình hậu đậu quá thì mọi chuyện sẽ ra sao?”
Và kết quả đúng như thế. Khi làm món đậu sốt cà chua, tôi không sốt cà chua riêng mà luống cuống cắt luôn cà chua vào chảo trong khi những miếng đậu còn chưa đủ vàng giòn lớp áo bên ngoài, kết quả là đậu thì nát mà cà chua không đủ chín nhừ để tạo thành lớp sốt sánh quyện. Mẹ đang làm rau nhìn sang giật mình: “Thôi chết, con làm gì thế này? Phải sốt cà chua riêng rồi đợi miếng đậu chín già lớp áo bên ngoài mới rưới sốt lên trên rồi đun nhỏ lửa cho quyện gia vị, nước sốt mới ngấm vào lớp vỏ đậu chứ?”. Tôi tim đập thình thịch, tự trách mình: “Thôi xong, trước khi cưới không đi học một khóa nấu ăn, để rồi bây giờ thế này đây”. Tôi luống cuống nói với mẹ: “Vâng, vâng, con sẽ sửa ạ”.
Nhưng mọi chuyện đâu dễ dàng như thế, sau 3 tháng tiếp theo tôi vẫn vụng về ẩu đoảng như ngày mới đến. Hôm thì cơm nấu sống sượng, hôm thì xào rau mặn chát, hôm khác lại rán thịt cháy khét lẹt…Chồng tôi cũng buồn, còn mẹ- tôi biết mẹ thở dài không ít lần. Và cuối cùng mẹ bảo tôi: “Thôi con cứ đi làm việc của con đi, để mẹ làm cho”. Tôi cũng thấy chán nản không muốn quan tâm nữa. Từ đấy lại sáng đi sớm, tối về muộn và phó thác chuyện nấu cơm cho mẹ chồng. Mỗi khi biếu tiền mẹ và đưa mẹ tiền chợ, tôi cũng ái ngại trong lòng, nhưng tôi sợ phải đối diện với căn bếp, với những tiếng thở dài của mẹ, tôi sợ phải ngồi ăn cơm trong không khí yên lặng, cả nhà không tránh khỏi những lúc nhăn mặt vì cọng rau xào mặn đến mức teo lại, hay miếng thịt đen sì. Tôi ít xuất hiện ở nhà hơn, hai mẹ con ít nói chuyện với nhau hơn. Không khí gia đình cũng trầm lắng hơn hẳn. Tôi sợ mẹ, biết mẹ khó tính, khéo léo nên cố lảng tránh những khi mẹ làm, và tránh cả ngồi nói chuyện với mẹ. Tôi chỉ sợ nhỡ mồm nói gì sai lại tạo thành mâu thuẫn bởi vốn mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu đã căng thẳng vì những bữa ăn “thảm họa” của tôi rồi.
Cho đến một ngày, tôi ngồi nói chuyện với một cô bạn thân thuở Đại học về những khó khăn, nỗi khó xử của mình với mẹ chồng. Cô cười bảo: “Cậu như thế là còn may. Mẹ cậu còn đằm tính hơn những bà mẹ chồng khác rất nhiều. Mình bảo này, giờ cậu đừng coi mẹ chồng là mẹ chồng nữa- hãy coi bà ấy như mẹ đẻ của mình và thực sự cố gắng. Mỗi khi nấu ăn cậu hãy đứng cạnh mẹ học hỏi với tất cả sự chú tâm và thành kính của một người con. Thật cố gắng, nhìn mẹ với ánh mắt và suy nghĩ khác, đừng mang nặng chuyện mẹ chồng khó tính nữa. Mình tin là cậu làm được”.
Sau buổi nói chuyện hôm đó, trải qua những phút dài đằng đẵng để suy nghĩ và quyết định, tôi trở về nhà, ngay từ cửa đã chào mẹ thật to. Mẹ ngạc nhiên hỏi: “Về sớm hả con?”, tôi đáp: “Vâng, thưa sư phụ, từ nay con sẽ gọi mẹ là sư phụ, mẹ hãy giúp con trở thành một đầu bếp tuyệt vời như mẹ nhé!”. Mẹ cười xòa, giục tôi đi thay đồ. Khi trở xuống nấu bếp cùng mẹ, tôi phụ mẹ làm việc vặt, còn những món chính, tôi đứng cạnh quan sát, nghe mẹ dạy và cố ghi nhớ từng điều một. Khi ướp thịt kho tàu cần những gia vị gì, thứ tự trộn món xa- lát, mẹo làm thế nào để xào su hào vừa giòn lại ngọt. Cứ thế, tôi học hỏi và chăm chỉ thực hành. Trong một, hai tuần đầu, tôi còn lóng ngóng, nhưng đã biết nêm nếm gia giảm để món ăn vừa miệng hơn. Sang đến tuần thứ ba, tôi thành thạo hơn hẳn. Mẹ khen tôi tiến bộ từng ngày, trong đôi mắt bà ánh lên niềm vui và sự tự hào vì cuối cùng mình đã “đào tạo” thành công được một học trò “cá biệt” như tôi.
Từ đó, tôi chăm chỉ vào bếp hơn, học những món mới để thi thoảng thứ bảy, chủ nhật nấu nướng, đãi cả nhà những món giàu dinh dưỡng và ngon miệng hơn. Tối tối, sau khi xong việc tôi tranh thủ chút thời gian ngồi cạnh mẹ xem phim, đấm bóp lưng, vai giúp mẹ. Có lúc xem phim gặp cảnh cảm động, hai mẹ con cùng sụt sịt chấm nước mắt, rồi quay sang nhìn nhau cười: “Lớn hết cả rồi vẫn sụt sịt mẹ nhỉ”. Trong căn nhà nhỏ vang đều tiếng cười của hai mẹ con. Tôi thấy thương mẹ hơn, thấy mẹ trở nên gần gũi tự lúc nào, giờ mẹ chẳng khác gì mẹ ruột của tôi vậy. Chồng tôi cũng thương vợ hơn, anh luôn động viên giúp đỡ vợ khi rảnh rỗi và luôn cố gắng về ăn cơm nhà. “Anh biết vợ anh là một người phụ nữ không chỉ đáng yêu mà còn nhân hậu, luôn cố gắng vươn lên nữa”, anh nhìn vợ và khen thật trìu mến.
Cuối năm ấy, mẹ gọi tôi vào phòng nói chuyện riêng. “Không biết có chuyện gì mà mẹ lại gọi vào nói chuyện riêng nhỉ?”- tôi nghĩ thầm, hơi lo lắng. Vừa ngồi xuống ghế, tôi thấy mẹ lấy từ trong tủ quần áo một gói nhỏ đưa cho tôi rồi âu yếm nói: “Con mở ra đi”. Khi mở ra, tôi thấy trên tay là một xấp tiền. Mẹ nhìn tôi cười nói: “Số tiền chợ con đưa mẹ những tháng trước còn dư chút nào mẹ đều để lại, cất vào đây. Giờ sắp Tết rồi, cũng đến lúc cần sắm sửa nhiều. Con cầm lấy mua cái áo mới để diện Tết, lâu rồi mẹ không thấy con mua áo mới”. Tôi sững người, cảm động thực sự. Hóa ra mẹ chu đáo lo nghĩ cho con cái đến vậy. Mẹ cũng tinh ý từng chút, biết con dâu lâu rồi không được sắm sửa thứ gì mới. Thế mà trước đây, tôi cứ nghĩ mẹ khó tính, khó gần để rồi sợ và tránh mặt mẹ…
Có thực sự mở lòng mới mong đón nhận tình yêu thương. Chị em chúng ta đừng chỉ lo sợ rằng mẹ chồng khó tính, đừng vội đánh giá mà ngại ngần mở lòng, ngại sự thay đổi. Thực ra, chỉ cần mở lòng, không ngần ngại cho đi, thực sự biết cố gắng và thể hiện tình cảm, sự biết ơn thì các mối quan hệ trong gia đình và xã hội, kể cả mối quan hệ mẹ chồng- nàng dâu cũng đỡ căng thẳng hơn rất nhiều.
Mong rằng tất cả chúng ta sẽ đều sáng suốt, kiên nhẫn và trìu mến hơn với những người mà ta nên yêu thương, chăm sóc. Gia đình cũng như một cái cây mà mỗi mối quan hệ trong gia đình là một chiếc rễ của cái cây đó. Chẳng may làm sứt mẻ một mối quan hệ cũng như chặt đi một chiếc rễ- cây sẽ còi cọc và khó có thể lớn lên. Giữ được mối quan hệ gia đình tốt, giữ được hòa khí, sự ấm áp cũng như chăm cho rễ cây khỏe, từ đó cây lớn nhanh sẽ cho đời những chùm trái ngọt lành và tỏa bóng râm xanh mát.
Quỳnh Mai
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.