Sóc bạch tạng

Sóc bạch tạng

Một phụ nữ tại Anh nhìn ra ngoài và nhìn thấy hai con sóc màu trắng nô đùa trong vườn của bà. Đây là loại sóc có màu lông rất hiếm.

Cặp sóc mắc bệnh bạch tạng nổi bật hẳn lên so với các cây nhờ màu lông trắng muốt như bông của chúng. Tuy nhiên, chính bộ lông đặc biệt đó cũng giúp những động vật săn mồi như cáo, sói và mèo phát hiện ra sóc dễ dàng. Có lẽ vì thế mà chúng đi cùng nhau để tăng mức độ an toàn.

Cụ Josie Atkins, 74 tuổi và sống ở ngoại ô thành phố Wallington, Anh kể rằng ban đầu cụ chỉ nhìn thấy một con sóc có đôi mắt màu hồng trong vườn. Sau đó một con khác nhảy qua hàng rào vào vườn và hai con đùa giỡn với nhau. 

Sóc bạch tạng

Hai con sóc trong vườn nhà cụ Josie Atkins. (Ảnh: Josie Atkins).

Tôi cảm thấy may mắn vì nhìn thấy hai con sóc. Tôi yêu tất cả những con vật thăm vườn, đặc biệt là những con sóc màu trắng như thế này. Không phải ai cũng có cơ hội chiêm ngưỡng chúng“, cụ nói.

Atkins kể với Telegraph rằng hai con sóc trắng cũng nô đùa với những con sóc xám khác.

Cứ 100.000 con sóc thì chỉ có một con bị bạch tạng. Telegraph cho rằng rất có thể hai con sóc trong vườn của cụ Atkins có cùng sống trong một gia đình.

Theo các nhà khoa học, sóc bạch tạng thừa hưởng một số gene gây thiếu melanin (sắc tố tạo nên màu ở da và lông) từ bố và mẹ. Vì thế mà cơ thể chúng không có màu. Sóc bạch tạng đối mặt với nhiều mối hiểm họa hơn bởi chính màu lông trắng của chúng. Chỉ khi tuyết rơi vào mùa đông chúng mới cảm nhận được lợi thế của bộ lông. Giới chuyên gia cho rằng những đô thị mới là nơi mà sóc bạch tạng có cơ hội sống sót cao hơn so với những khu rừng hay đồng cỏ.

 

Theo Daily Mail, Vnexpress