Sóc có khả năng tiên đoán

Bằng cách nào đó, sóc đỏ Bắc Mỹ có thể dự đoán được chu kỳ biến động của thức ăn. Loài động vật này thường đẻ thêm một lứa con vào mùa xuân của những năm bội thu để tận dụng lượng hạt dư thừa, các nhà khoa học khẳng định.

Kết luận được rút ra từ công trình nghiên cứu kéo dài 16 năm của các nhà khoa học thuộc Đại học Michigan State (Mỹ). Đối tượng tìm hiểu của họ là loài sóc đỏ (Tamiasciurus hudsonicus) trong khu rừng Yukon, Canada.

Vỏ quýt dày

Nhóm chuyên gia dùng củ lạc để nhử sóc vào những chiếc bẫy rồi gắn chip điện tử lên cơ thể chúng để theo dõi. Cứ sau một khoảng thời gian nhất định, họ tìm cách bắt lũ sóc và kiểm xem những con cái có thai hay không. Họ cũng ghi lại số lượng nón trên các cây vân sam (thuộc họ thông) trong khu. Hạt trong các nón của cây vân sam là thức ăn chủ yếu của sóc đỏ.

Số lượng nón mà vân sam sản sinh được trong mùa thu thay đổi từ năm này qua năm khác. Chẳng hạn, một cây chỉ sản sinh 10 nón trong năm nay, nhưng có thể cho ra tới 500 nón vào năm sau.

Sóc đỏ – Tamiasciurus hudsonicus (Ảnh: Newscientist)

“Bằng cách ‘đẻ’ ít nón vào một số năm, vân sam đẩy những động vật ăn hạt vào tình trạng thiếu thức ăn, gián tiếp loại bỏ bớt kẻ thù”, Andrew McAdam, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận xét.

Gặp móng tay nhọn

Nón của cây vân sam. (Ảnh: answers.com)

Sóc đỏ Bắc Mỹ kết đôi vào tháng 1 và sinh con từ tháng 3. Vào những năm cây vân sam cho ra nhiều nón, các nhà nghiên cứu nhận thấy một hiện tượng thú vị: lũ sóc cái sẽ sinh thêm một lứa vào mùa xuân của những năm đó.

Điều này đồng nghĩa với việc sóc đỏ, bằng cách nào đó, đã phát triển được khả năng đoán trước quy luật sinh sản của cây vân sam.

“Chúng tôi thường nghĩ rằng động vật ăn hạt, chẳng hạn như sóc đỏ, buộc phải tuân theo trò chơi của thực vật. Đây là bằng chứng đầu tiên về khả năng dự đoán chu kỳ sinh sản của thực vật ở một loài động vật”, McAdam phát biểu.

Lượng hạt dư thừa trong mùa thu là nguồn thức ăn quan trọng đối với lũ sóc con trong những tháng đầu tiên của cuộc đời – khoảng thời gian chúng rất dễ bị tổn thương.

Hiện các chuyên gia vẫn chưa rõ tại sao sóc có thể dự đoán được rằng số lượng nón của cây vân sam sẽ giảm trong một năm nhất định. McAdam cho rằng loài động vật này biết cách xác định nồng độ một số hoóc môn nhất định trong chồi nón trên cây vân sam. Cũng có thể chúng biết cách rút kinh nghiệm qua những lần quan sát. Khi nhìn thấy nhiều chồi nón trên cây vân sam vào mùa xuân, lũ sóc biết rằng năm đó sẽ có nhiều thức ăn.

Việt Linh

 

Theo Newscientist, Vnexpress