Những đường kẻ sọc sẽ giúp bảo vệ ngựa vằn khỏi các loài động vật ăn thịt nhờ tạo ra ảo ảnh quang học.
Sau khi sử dụng mô hình máy tính nghiên cứu, các nhà khoa học từ trường đại học Queensland, Australia phát hiện ra sọc ngựa vằn có thể tạo ra ảo ảnh quang học khi con vật di chuyển, giúp nó tránh khỏi sự tấn công của nhiều loại động vật ăn thịt và côn trùng sống ký sinh. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Zoology, BBC đưa tin.
Giới khoa học trước đó cho rằng, sọc ngựa vằn có chức năng truyền tín hiệu xã hội, ngụy trang vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn trong môi trường đồng cỏ.
Ngựa vằn có sọc kẻ đen và sọc kẻ trắng xen kẽ lẫn nhau. (Ảnh: JGoldizen)
Trong nghiên cứu lần này, giáo sư Johannes Zanker của Đại học London, Anh và đồng nghiệp xem xét quá trình ngựa vằn gây nhầm lẫn cho kẻ thù ăn thịt và động vật ký sinh dựa trên việc phân tích hình ảnh, các đoạn băng video.
Kết quả cho thấy, khi ngựa vằn di chuyển sẽ tạo ra cảm nhận thông tin sai lệch cho người xem. Con người và nhiều loài động vật khác có hệ thần kinh phát hiện chuyển động dựa trên đường nét vật thể nên dễ bị hiểu nhầm, đánh giá sai chuyển động của con vật. Ví dụ, khi quay bánh xe cùng chiều kim đồng hồ đạt đến một tốc độ nào đó, con người có cảm giác bánh xe quay theo chiều ngược lại.
“Các sọc chéo rộng bên hông, đường kẻ sọc hẹp trên lưng và cổ ngựa vằn gây ra ảo giác cho người xem khi con vật di chuyển, đặc biệt trong một đàn ngựa vằn lớn. Điều này giúp đánh lạc hướng động vật ăn thịt, làm sai lệch quá trình tiếp cận của động vật ký sinh”, Martin, tiến sĩ tại Đại học Queensland, Australia nói.
Ông cũng cho biết thêm: “Kết quả thu được có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu khuôn mẫu ở động vật, rất nhiều loài cá trinh nữ hay rắn cũng sử dụng màu sắc cơ thể để lẩn trốn. Con người có thể áp dụng vào để ngụy trang tàu chiến hoặc dàn trận trên quy mô lớn”.
Theo VNE