Sóng áp suất trong khí quyển của sao Kim thuộc dạng sóng áp suất mạnh nhất trong Hệ Mặt Trời, lan xa đến hơn 10.000km.
Tàu thăm dò Akatsuki của Nhật bay xung quanh sao Kim, gửi về Trái đất hình ảnh một trong những cơn sóng áp suất lớn nhất từng được thấy trong Hệ mặt trời trong 4 ngày của tháng 12/2015.
Máy ảnh gắn trên tàu ghi lại cơn sóng kéo dài hơn 10.000km trong khí quyển, từ vùng cực bắc qua xích đạo rồi đến cực nam của hành tinh.
Tàu thăm dò Akatsuki chụp hình cơn sóng khổng lồ trên những đám mây của sao Kim vào tháng 12 năm 2015. (Ảnh: Planet-C).
Được đặt theo tên vị thần La Mã về sắc đẹp và tình yêu, Venus, sao Kim là hành tinh đá thứ hai đếm từ Mặt Trời và là hành tinh nóng nhất trong Hệ Mặt Trời. Hiệu ứng nhà kính khiến cho mức nhiệt độ cao nhất lên đến 460 độ C.
Các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không Nhật Bản cho rằng những con sóng áp suất đứng (sóng được tạo ra do giao thoa) ở sao Kim được tạo ra do gió trên bề mặt đập vào dãy núi Aphrodite Terra cao 4.500m ở gần xích đạo của hành tinh.
“Những cơn sóng đứng này có thể lan truyền rất xa, có lẽ là mạnh nhất từng thấy trong Hệ Mặt Trời”, các nhà nghiên cứu viết trên Tạp chí Nature Geoscience. Những cơn sóng bất thường thậm chí có thể đủ mạnh để thay đổi cả khí hậu của hành tinh, các nhà khoa học cho biết thêm.
Tàu vũ trụ Akatsuki sử dụng camera tia hồng ngoại và cực tím để chụp ảnh cơn sóng khổng lồ ở độ cao 65km so với mặt đất, bên trong những đám mây axit sulfuric dày đặc che phủ hành tinh. Tâm sóng nằm ngay bên trên sườn phía tây của vùng cao nguyên Aphrodite Terra.
Trên sao Kim, những đám mây trôi đi với tốc độ 350km mỗi giờ, nhanh hơn nhiều so với tốc độ tự quay của hành tinh. Hành tinh này tự quay quá chậm nên một “ngày trên sao Kim” còn dài hơn cả “một năm” ở đó.
Tàu vũ trụ của Nhật Bản bắt đầu quay quanh quỹ đạo của hành tinh từ tháng 12 năm 2015 và chụp những hình ảnh sóng áp suất gửi về. Hiện nay việc chụp sóng đã được ngưng để tàu thực hiện các nhiệm vụ khác.
Theo khampha