Nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới vừa được công bố trên tạp chí khoa học danh tiếng “Science” cảnh báo sự tan chảy của các dòng sông băng trên toàn cầu sẽ làm nảy sinh những cuộc khủng hoảng lương thực mới.
Theo nghiên cứu này, 60 triệu người sống quanh khu vực Hymalaya sẽ thiếu lương thực nghiêm trọng trong vài thập kỷ tới khi các dòng sông băng ở khu vực này thu nhỏ lại, khiến nguồn cung cấp nước cho mùa màng bị cạn kiệt.
Tuy nhiên, tác động này không quá nghiêm trọng như báo cáo của Ủy ban liên chính phủ của Liên hợp quốc (IPCC) công bố năm 2007, trong đó dự báo các dòng sông băng ở dãy Hymalaya sẽ hoàn toàn biến mất vào năm 2035 khiến hàng trăm triệu người bị thiếu lương thực.
Các tính toán mới của các nhà khoa học Đức cho thấy sự tan chảy của các dòng sông băng này sẽ làm giảm 19,6% nguồn cung cấp nước cho sông lớn ở châu Á như sông Hằng, sông Hoàng Hà, sông Dương Tử… vào năm 2050.
Các dòng sông băng ở cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng sẽ xói mòn các vùng đồng cỏ và đất ướt, đe dọa các lưu vực sông Dương Tử, Hoàng Hà và sông Mekong… Với điều kiện khí hậu hiện nay, khoảng 30% số dòng sông băng ở khu vực châu Á sẽ biến mất trong 10 năm tới.
Nếu Trái Đất ấm hơn, các sông băng tan chảy nhanh hơn và tình hình sẽ tồi tệ hơn vì các dòng sông băng ở khu vực này cung cấp gần 50% lượng nước cho sông Hoàng Hà, 25% lượng nước cho sông Dương Tử và 15% lượng nước cho sông Mekong, sông cung cấp nước quan trọng nhất cho các nước Đông Nam Á.
Nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế dự báo khoảng 4,5% tổng dân số châu Á sẽ bị mất an ninh lương thực do tác động của các dòng sông băng tan chảy./.
Theo Vietnam+