Sóng thần đe doạ châu Âu?

Lần cuối cùng sóng thần càn quét châu Âu đã hơn 8.000 năm trước. Nhưng các nghiên cứu mới cho thấy từ đó đến nay lòng biển Bắc Âu đã bùng nổ nhiều trận động đất. Chỉ cần một cơn đất lở theo những con dốc dưới thềm lục địa, một đợt sóng thần sẽ nhấn chìm nhiều thành phố ven bờ Đại Tây Dương.

Trận động đất làm rung chuyển bờ biển Storegga giữa Bergen và Trondheim của Na Uy khoảng 8.150 năm trước là một tai họa của ngày tận thế. Các chấn động đã xé toạc nhiều mảnh đất bằng kích thước đảo quốc Iceland, rứt tung khỏi vùng nước cạn và ném xuống biển sâu. Những đợt sóng thần cực mạnh đã băng qua khắp vùng biển Bắc Âu, ập xuống Scotland những ngọn sóng cao hơn 6 mét.

Chuyện xưa có thể lặp lại chăng?

Lật lại lịch sử

Nhiều thành phố châu Âu từ Na Uy đến Anh quốc sẽ bị xoá tên trên bản đồ nếu sóng thần lại xảy ra

Nhà địa chất học Roger Musson của Viện Khảo sát địa chất Anh quốc (British Geological Survey) đặt trụ sở ở Edinburg đã tìm ra những tài liệu cho thấy một bức tranh khác hẳn. Nhiều sử liệu thế kỷ 16 đã nhắc đến trận động đất lớn ngày 19.9.1508 rung chuyển cả nước Anh. Tâm chấn nằm ngay Scotland.

Rõ ràng đây không phải là một trận động đất cục bộ thường xảy ra ở Scotland và nước Anh xưa nay. Ít ra đó cũng là giả thuyết mà Musson đã đưa ra ở hội nghị Liên đoàn Khoa học địa chất châu Âu (European Geosciences Union – EGU) tổ chức tại Vienne (Áo) giữa tháng 10.2006.

Nhiều năm trời nghiên cứu trong các thư viện, tàng thư của nhà thờ và sử liệu cổ đã đưa đẩy Musson phát hiện ra nhiều chứng cứ đáng ngại. Các tư liệu xưa cho thấy trong các năm 1089, 1617, 1686 và 1847, đáy biển gần Anh quốc đã chịu nhiều trận động đất nghiêm trọng. Theo Musson, động đất không chỉ xảy ra thường xuyên hơn mà ngày càng mạnh hơn. Tuy nhiên khó lòng chứng minh giả thuyết của Musson vì những cơn động đất dọc bờ biển châu Âu chỉ bắt đầu được ghi nhận bằng các thiết bị khoa học từ những năm 1970.

Những phát hiện lịch sử của Roger Musson đã khiến các nhà địa chất tập trung chú ý đến những con dốc trên thềm lục địa miền bắc châu Âu. Những vách đá dưới mặt nước giữa vùng biển cạn và vùng biển sâu ngoài khơi Na Uy có độ sâu 3.800m. Một trận động đất có thể khiến những lớp trầm tích nằm trên thềm dốc trượt đi – như 8.150 năm trước – hay không?

Thềm lục địa bất an

Hình mô phỏng của máy tính về vụ đất trượt ở bờ biển Storegga, Na Uy gây ra sóng thần lan tới tận Anh quốc 8.150 năm trước

Các nhà khoa học Na Uy chắc chắn rằng không thể có nguy cơ đất trượt ngoài khơi vùng duyên hải Storegga của nước này. Nhà địa chất Tore Kvalstad khẳng định: Tất cả các lớp nham thạch núi lửa đã trôi hết trong trận động đất dữ dội 8.150 năm trước. Tore Kvalstad đã nhiều năm nghiên cứu kiến tạo đáy biển Storegga. Tuy nhiên, vùng duyên hải phía bắc và nam Storegga lại không được nghiên cứu cặn kẽ như thế.

Một nhóm khảo sát của các chuyên gia Petter Bryn (công ty năng lượng Morsk Hydro) và Anders Solheim (Trung tâm Quốc tế về nguy hiểm địa chất) của Oslo vừa hoàn tất cuộc nghiên cứu địa chất ở bờ biển phía tây Na Uy. Kết quả: đất trượt đã xảy ra nhiều nơi dọc theo bờ biển này trong vòng 1 triệu năm qua. Năm 1999, các nhà nghiên cứu đã phát hiện dấu vết của một trận đất trượt dữ dội ở bắc Na Uy và đến bây giờ mới được khảo sát lần đầu tiên. Với cường độ mạnh không kém trận đất trượt ở Storegga, trận đất trượt này – được đặt tên Yermak Slide – xảy ra khoảng 30.000 năm trước và gây ra những trận sóng thần huỷ diệt.

Lỗ hổng kiến thức nguy hiểm

Điều này có tái diễn hay không tuỳ thuộc vào hỗn hợp của chất trầm tích trên thềm lục địa dốc đứng của Bắc Âu. Cho tới nay, chưa hề có nghiên cứu nào về lớp trầm tích này. Đó là một lỗ hổng kiến thức có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Các chất tích tụ này có thể che giấu nhiều lớp đất sét trải rộng làm tăng độ trơn tuột của những triền dốc của thềm lục địa. Những lớp cát dốc đứng cũng sẽ là một nguyên nhân báo động khác, bởi vì chỉ cần một dịch chuyển nhỏ trên mặt đất cũng có thể khiến chúng dời khỏi vị trí ổn định mong manh.

Trên bản đồ, vùng được gạch ngang cho thấy diện tích rộng lớn của vụ đất trượt Yermak Slide (chiều rộng khoảng 45km) từ 30.000 năm trước, gây ra sóng thần tràn khắp vùng biển bắc châu Âu.

Vụ đất trượt Yermak Slide đã ném những mảnh đất khổng lồ xuống độ sâu 1.400 mét dưới lòng biển. Chiều cao của tháp Eiffel là 350 mét được dùng làm tỷ lệ so sánh.

Có lẽ yếu tố bất định lớn nhất chính là lớp khí đóng băng (methanhydrates) hiện đang đóng vai trò như một thứ băng keo yếu ớt giữ cho cát bám vào các triền dốc. Trên tạp chí khoa học Eos, tác giả Angus Best của ĐH Southampton (Anh) cảnh báo rằng nếu mực nước hay nhiệt độ thay đổi thì lớp “xi-măng” này sẽ tan rã. Một trận động đất cũng có thể làm cho kiến trúc không chắc chắn này trượt đi.

Các nhà khoa học Na Uy đã thiết kế một mô hình giả lập trên máy tính để hình dung hậu quả của một trận đất trượt siêu mạnh. Chỉ vài phút sau khi đất trượt, những ngọn sóng cao 14m sẽ giáng xuống bờ biển Na Uy với kết cục bi thảm vì nhiều thành phố nằm ngang mực nước biển hay nằm trong những vịnh có đáy biển nghiêng chếch – nơi sẽ khiến sóng thần dâng cao hơn nữa. Sau 3 giờ, những cơn sóng cao 20m sẽ ập vào quần đảo Shetland của Anh. Sau 2 giờ, quần đảo Faeroe của Đan Mạch sẽ chìm ngập trong những đợt sóng cao 14m. Sau 6 giờ, những đợt sóng thần cao 6m sẽ xé toạc bờ biển Scotland băng về phía các thành phố biển Edinburgh, Aberdeen và Dundee của Anh. Càng tiến về phương nam, những đợt sóng sẽ yếu dần. Những dao động của mặt biển Bắc Âu sẽ đóng vai trò chiếc phanh hãm tốc. Những thành phố ven biển bắc của nước Đức chỉ bị ngập lụt.

Mô hình máy tính đã cảnh báo một hiểm họa đang rình rập châu Âu. Nhưng máy tính cũng có thể sai lầm?

Bờ biển Storegga băng giá của Na Uy

Các nhà khoa học đã cảnh báo nguy cơ sóng thần đe doạ châu Âu

Trần Ngọc Đăng

 

Theo Sài Gòn tiếp thị