SpaceX hoàn thành sứ mệnh tiếp tế lần 2 cho ISS

SpaceX hoàn thành sứ mệnh tiếp tế lần 2 cho ISS

Ngày 26/3, tàu chở hàng SpaceX Dragon không người lái của Tập đoàn Thám hiểm công nghệ không gian SpaceX đã trở về Trái Đất an toàn sau khi hoàn thành nhiệm vụ trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).

Trong thông báo trên trang mạng Twitter, công ty SpaceX có trụ sở tại bang California, Mỹ, cho biết với sự hỗ trợ của 3 chiếc dù lớn, tàu Dragon đã đáp xuống mặt nước Thái Bình Dương, cách ngoài khơi bờ biển Mexico khoảng 320km.

SpaceX hoàn thành sứ mệnh tiếp tế lần 2 cho ISS
Tàu SpaceX Dragon hoàn thành nhiệm vụ tiếp tế trên Trạm Vũ trụ quốc tế. (Ảnh: Internet)

Trong lần thứ hai lên ISS này, tàu Dragon đã hoàn thành nhiệm vụ trong vòng chỉ hơn 3 tuần, chuyển hơn 540kg lương thực, thiết bị khoa học và các thiết bị khác cho đội ngũ đang làm việc trên ISS gồm 2 nhà khoa học Mỹ, 3 người Nga và 1 người Canada.

Tàu Dragon đã mang về Trái Đất hơn một tấn thiết bị và vật dụng từ những thí nghiệm khoa học thực hiện trên ISS, nặng hơn nhiều so với khối lượng hàng mà tàu tiếp tế cho ISS trong sứ mệnh vừa rồi.

Một trong số những thiết bị này được thiết kế để nghiên cứu những thay đổi phân tử cho một loài hoa nhỏ trong trạng thái không trọng lực, còn một nghiên cứu khác để kiểm tra rễ cây phát triển như thế nào trong môi trường ít ôxy.

Thuộc sở hữu của Elon Musk, nhà tỷ phú đồng sáng lập hãng Paypal, SpaceX là một trong nhiều công ty tư nhân đang làm việc với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) để thực hiện các chuyến bay khứ hồi giữa Trái Đất và ISS.

NASA đã ký hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD với SpaceX để thực hiện ít nhất 12 chuyến bay tiếp tế cho ISS trong những năm tới. SpaceX là công ty đầu tiên thực hiện chuyến bay thương mại này.

Cho đến nay, SpaceX mới chỉ có các chuyến bay không người lái lên quỹ đạo nhưng công ty có kế hoạch hợp tác với NASA để thực hiện các chuyến bay có người lái lên vũ trụ trong 4 năm tới.

Kể từ khi chấm dứt chương trình hoạt động của đội tàu vũ trụ của NASA hồi năm 2011, NASA đã thuê tàu vũ trụ Soyuz của Nga để chở phi hành đoàn lên ISS nhưng Soyuz không có khoang chứa hàng hóa mang về.

 

Theo Báo Tin Tức