Stephen Hawking muốn chế tàu vũ trụ bay tới “Trái Đất thứ hai”

Stephen Hawking muốn chế tàu vũ trụ bay tới

Ông hoàng vật lý muốn tạo ra tàu vũ trụ siêu nhỏ có thể bay tới “Trái Đất thứ hai” trong hệ sao Alpha Centauri sau khoảng 25 năm.

Nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking đang nghiên cứu thiết kế tàu vũ trụ siêu nhỏ có thể bay tới ngôi sao gần nhất và truyền về hình ảnh của hành tinh được cho là “Trái Đất thứ hai” trong vòng 25 năm, Independent hôm 21/6 đưa tin.

Tàu vũ trụ tên Star Chip có kích thước chỉ vài centimet với thiết bị tạo lực đẩy chính nặng vài gram. Tàu lấy năng lượng từ máy phát laser trên Trái Đất, giúp tạo chùm sáng đẩy tàu vọt đi ở tốc độ 160 triệu km/h, bằng 1/5 tốc độ ánh sáng.

“Một hệ thống như vậy có thể đến sao Hỏa trong chưa đầy một tiếng, tới sao Diêm Vương trong vài ngày, bỏ xa tàu thăm dò Voyager sau gần một tuần và tới hệ sao Alpha Centauri sau hơn 20 năm”, giáo sư Hawking nói.


Giáo sư Hawking cho rằng tàu vũ trụ Star Chip có thể thăm dò hành tinh giống Trái Đất Proxima b. (Ảnh: Starmus).

“Sau khi tới đó, tàu nano có thể chụp ảnh mọi hành tinh trong hệ, kiểm tra từ trường và phân tử hữu cơ rồi truyền dữ liệu về Trái Đất bằng chùm tia laser khác. Tín hiệu sẽ được nhóm máy phát laser dùng để phóng tàu tiếp nhận. Quan trọng hơn cả là lộ trình của Star Chip có thể bay qua Proxima b, hành tinh có kích thước lớn bằng Trái Đất nằm trong khu vực cho phép sự sống tồn tại của Alpha Centauri”, giáo sư Hawking cho biết.

Star Chip nằm trong dự án Breakthrough Star Shot, với mục tiêu mang đến một cơ hội thực sự để con người thăm dò và cân nhắc khả năng định cư ngoài không gian, theo Hawking.

Do tốc độ di chuyển quá nhanh, mọi hình ảnh do máy ảnh trên Star Chip chụp lại sẽ bị méo mó đôi chút do hiệu ứng của thuyết tương đối đặc biệt như nhà vật lý Albert Einstein mô tả. Đây là lần đầu tiên một vật thể di chuyển đủ nhanh để chứng thực hiệu ứng này.

Trong một bài phát biểu tại sự kiện Starmus Festival, giáo sư Hawking cảnh báo con người cần nhanh chóng thuộc địa hóa một hành tinh khác nếu muốn tồn tại.

Mặt Trăng và sao Hỏa là những lựa chọn khả thi nhưng cả hai đều có hạn chế. Mặt Trăng khá nhỏ, không có khí quyển hay từ trường để làm chệch bức xạ Mặt Trời. Sao Hỏa cũng mất hết từ trường và phần lớn khí quyển.

Giáo sư Hawking nhấn mạnh con người cần xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng năm 2020 và đưa người đến sao Hỏa năm 2025. Du hành xuyên không gian có thể trở thành hiện thực trong 200-500 năm tới.

 

Theo VnExpress